Siêu khuyến mãi đang “giết” doanh nghiệp

Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Vân Nam: Siêu khuyến mãi đang “giết” doanh nghiệp
(05:12, 28/01/2005)
Cạnh tranh kiểu… “cho mày chết!”

Thưa giáo sư, một công ty viễn thông vừa gửi cho tôi bức thư quảng cáo cho biết chỉ cần bấm máy theo dịch vụ của họ, alô lên một cái là có thể trúng giải thưởng lên tới 100 cây vàng!

+ Nếu như tại Việt Nam kiểu khuyến mãi vung trời như vậy có thể bắt gặp mọi nơi, mọi lúc thì ở châu Âu hành vi này bị cấm tiệt. Việc khuyến mãi được quy định rất chặt chẽ, không phải ỷ có nhiều tiền rồi muốn làm gì thì làm. Ở Đức, tôi nhớ có lần một thân chủ của tôi là chủ nhà hàng, chỉ vì dụ khách bằng cách tặng một chai rượu cho mỗi  bàn ăn đạt doanh thu 50 euro mà bị Hiệp hội chủ nhà hàng đòi phạt tới 60.000 euro. Số tiền phạt ấy theo thời giá hiện nay là cỡ trên 1,2 tỉ đồng Việt Nam, ghê chưa!? May mà sau đó chúng tôi chứng minh được trị giá chai rượu chiếm chưa tới mức vi phạm 10% doanh thu bàn ăn nên ông chủ nhà hàng “thoát” nạn. Hoặc như trong lĩnh vực ngân hàng, họ quy định vào các ngày lễ ngân hàng chỉ được tặng quà cho khách trị giá không quá 2 euro.

Nhưng khuyến mãi cũng là cách kích thích tiêu dùng, phát triển sản xuất, thưa ông?

+ Nếu quà tặng khuyến mãi nhỏ hơn một cách hợp lý so với giá trị hàng hoá bán thì có thể chấp nhận được. Nhưng nếu uống một chai bia mà  thưởng cả chiếc xe BMW hoặc chỉ cần gọi một cú điện thoại mất vài ngàn đồng tiền cước mà trúng tới 100 cây vàng thì đây là hành vi cạnh tranh không lành mạnh, gây hậu quả xấu toàn diện cho kinh tế, xã hội.

– Xin ông nói rõ hơn?

+ Nạn nhân trước tiên chính là những doanh nghiệp nhỏ. Họ không thể đủ tiền, đủ sức để thực hiện một cuộc chạy đua mang tính huỷ diệt như vậy. Người tiêu dùng cũng chịu một sức ép rất lớn, họ mua bia không còn phải để thưởng thức bia nữa mà là để có xe BMW. Xin nói thêm, ở các nước châu Âu, việc quảng cáo, khuyến mãi cố tình “đánh” vào nhược điểm của con người để bán được hàng, chẳng hạn như kích thích lòng tham theo kiểu tương tự, cũng bị cấm.

Một tai hại lớn hơn nữa là nền kinh tế bị ảnh hưởng, vì các doanh nghiệp chỉ chăm chăm lo chi tiền cho khuyến mãi, cho giải thưởng, còn hơi còn sức đâu để đầu tư cho kỹ thuật công nghệ, hoàn thiện chất lượng sản phẩm và nâng cao hiệu quả sản xuất!

Nhiều siêu thị hiện nay cũng đang áp dụng kiểu bán hàng dưới hình thức thẻ VIP, phiếu mua hàng giảm giá. Thực chất đây cũng là một biến dạng của khuyến mãi?

+ Ở Đức, kiểu khuyến mãi như trên là một trong 12 kiểu cạnh tranh không lành mạnh về cơ bản bị cấm. Các nước thuộc liên minh châu Âu cũng quy định tương tự. Rất tiếc Luật Cạnh tranh của Việt Nam đã không đề cập đến vấn đề này.

Cá lớn nuốt cá bé: Cứ tha hồ!

Một số tập đoàn nước ngoài có tiềm lực tài chính mạnh khi vào Việt Nam thường sử dụng chiêu thức bán phá giá làm cho các đối thủ trong nước sập tiệm, rồi sau đó họ ung dung chiếm lĩnh thị trường. Nạn nhân nước giải khát Chương Dương là một ví dụ điển hình?

+ Trước hết phải thấy rằng hạ giá là việc cần được khuyến khích, vì là mục tiêu của cạnh tranh, có lợi cho người tiêu dùng và là quyền tự do của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu việc đó nhằm mục đích trừ khử đối thủ và làm xấu đi môi trường cạnh tranh thì nó sẽ trở thành hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Việc bán phá giá như nói trên chính là nằm trong trường hợp này.

Theo ông, việc thực hiện Luật Cạnh tranh có ngăn chặn được tình trạng trên?

+ (Lắc đầu) Các doanh nghiệp sẽ tha hồ phá giá, nói gì đến việc ngăn chặn! Bởi lẽ Luật Cạnh tranh chỉ có một quy định duy nhất là cấm các doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh bán hàng cung cấp dịch vụ dưới giá thành nhằm loại bỏ đối thủ cạnh tranh. Vậy số đông các doanh nghiệp còn lại thì sao? Các tập đoàn nước ngoài mới xâm nhập thị trường Việt Nam hoặc những doanh nghiệp lớn, miễn là chưa giữ vị trí thống lĩnh, cũng sẽ được bán phá giá để loại bỏ đối thủ? Với quy định trên, hiện tượng cá bé bị cá lớn nuốt – kiểu nước giải khát Chương Dương bị nuốt, rõ ràng đã không được giải quyết triệt để.

Mặt khác, theo tôi, đã là doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh rồi thì bất kỳ việc bán dưới giá thành nào cũng nên cấm chứ không nhất thiết phải với điều kiện nhằm loại bỏ đối thủ. Lý do là vì việc bán phá giá ấy ngay cả khi không có mục đích đi chăng nữa thì đều tác động rất lớn đến thị trường và hoàn toàn có khả năng loại bỏ các đối thủ khác. Luật của nhiều nước cũng đều quy định như vậy cả.

Luật Cạnh tranh đã không có một định nghĩa chung về cạnh tranh không lành mạnh mà chỉ liệt kê ra một số hành vi bị cấm. Theo ông, cách thức liệt kê như vậy đã bỏ qua một khả năng rất rộng và uyển chuyển để thực thi luật cạnh tranh?

+ Cuộc sống giống như dòng sông, luôn luôn chảy. Vì vậy, cái khó của nhà làm luật là làm sao cho bộ luật ban hành không chỉ điều chỉnh được những vấn đề thực tại mà còn phải bao quát được cả những hành vi sẽ xảy ra trong tương lai. Nếu hôm nay cấm chừng này nhưng ngày mai xuất hiện những hành vi mới thì không lẽ cứ phải chạy theo mãi để sửa luật? Để giải quyết khó khăn này, ngoài việc quy định những hành vi cơ bản bị cấm, luật của hầu hết các nước châu Âu còn đưa ra một định nghĩa tổng quát về hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Nếu phát sinh một hành vi mới nằm ngoài những hành vi cơ bản bị cấm thì ta có thể căn cứ vaò định nghĩa tổng quát để xử lý. Chính nhờ vậy mà Luật chống cạnh tranh không lành mạnh của Đức vẫn tồn tại gần 100 năm nay và trở thành một mẫu mực nổi tiếng trên thế giới.

– Xin cảm ơn ông!

Theo Báo Pháp luật TP. HCM ra ngày 24/01/2005

Đăng lại ở đây :

http://www.vnlawfind.com.vn/default.aspx?tabid=170&ID=288&CateID=

Bình luận về bài viết này