Đòn “hồi mã thương” 350 triệu đồng!

(TT&VH) – Một “trận đánh” lớn đã được bày binh bố trận (xem loạt bài đã đăng trên TT&VH) nhưng sắp đến thời khắc khai hỏa, bên “khởi chiến” đã rút lui. Tuy nhiên, đòn hồi mã thương mà họ phải nhận có thể từ 350-400 triệu đồng, nếu họ không thắng được trong vụ “phản tố” ngay trong “trận” này. Những ẩn số sẽ có lời giải trong phiên tòa vào ngày 28/8/2008 tại Tòa án Kinh tế TP.HCM. Trước khi phiên tòa diễn ra, TT&VH có cuộc phỏng vấn TS khoa học luật Nguyễn Vân Nam – luật sư của Công ty Phan Thị.

TS Khoa học luật Nguyễn Vân Nam

* Từ lý do nào mà dẫn đến vụ xét xử của Tòa án Kinh tế TP.HCM đối với Công ty Phan Thị và ông Lê Phong Linh vào ngày 28/8/2008 tới đây?

– Trước đây, ông Lê Phong Linh kiện Công ty Phan Thị với hai nội dung: Thứ nhất yêu cầu Công ty Phan Thị công nhận ông là tác giả duy nhất của hình vẽ các nhân vật và tất cả các tác phẩm của bộ truyện tranh Thần đồng đất Việt; thứ hai là Công ty Phan Thị không được viết tiếp bộ truyện này (từ tập 79 trở đi), bởi làm như vậy là vi phạm “sự toàn vẹn tác phẩm” của ông Lê Phong Linh. Ngoài ra, ông ta đòi Công ty Phan Thị phải trả nhuận bút và Công ty Phan Thị phải chính thức xin lỗi trên báo (có nêu rõ cụ thể trên những tờ báo nào, bao nhiêu lần). Tuy nhiên trong quá trình tòa thụ lý hồ sơ, ông Lê Phong Linh xin rút khoản đòi trả nhuận bút, sau đó ông cũng bổ sung thêm khoản đề nghị bà Phan Thị Mỹ Hạnh phải xin lỗi Lê Phong Linh vì đã mạo xưng tác giả và không đồng ý để bà Phan Thị Mỹ Hạnh đứng đồng tác giả mà chỉ có Lê Phong Linh là tác giả duy nhất.

Tòa cũng chưa chính thức xử mà chỉ mới có tôi đại diện cho Công ty Phan Thị nộp cho tòa luận cứ bảo vệ. Ông Lê Phong Linh thay đổi khá nhiều luật sư và luật sư cuối cùng là của Công ty Phạm và Liên danh, sau khi được tư vấn, trước mấy ngày đưa ra xử chính thức (8/8) thì ông Lê Phong Linh làm đơn xin rút lại toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông ta đối với Công ty Phan Thị và như vậy thực chất vụ kiện của ông ta đối với Công ty Phan Thị đã chấm dứt. Nhưng chúng tôi phản tố, khởi kiện ông Lê Phong Linh để đòi ông ta bồi thường thiệt hại bởi vì ông đã vi phạm và cản trở chúng tôi thực hiện quyền tài sản của mình đối với tác phẩm Thần đồng đất Việt.

* Cụ thể là như thế nào?

– Cụ thể là ông ta đưa những tin không đúng sự thật với báo chí khiến công luận ghét Công ty Phan Thị, độc giả không muốn đọc sản phẩm của Công ty Phan Thị. Ông Linh đã có những hành vi lôi kéo không cho nhân viên Công ty Phan Thị làm việc tiếp với Thần đồng đất Việt làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sử dụng quyền tài sản – quyền khai thác tác phẩm – của chúng tôi. Doanh số của chúng tôi vì thế giảm rất nhiều, thiệt hại tổng cộng khoảng 350 đến 400 triệu đồng. Chúng tôi yêu cầu ông Lê Phong Linh phải bồi thường số tiền thiệt hại nêu trên.

Truyện tranh “Thần đồng Đất Việt”

* Công ty Phan Thị có gì để chứng minh, nếu có ý kiến cho rằng việc khiếu kiện của Lê Phong Linh không làm giảm doanh số mà do đó là tình hình chung của thị trường?

– Chúng tôi đã phải ngưng sản xuất phát hành trong 3 kỳ liên tục vì ông Lê Phong Linh bỏ ngang công việc, đưa những tin “thất thiệt”, đồng thời đe dọa trực tiếp từng nhân viên một, rằng nếu tiếp tục làm cho Công ty Phan Thị ông sẽ khởi kiện và lôi kéo nhân viên Công ty Phan Thị về làm cho Công ty Lê Linh. Chúng tôi có bằng chứng là những hóa đơn, số lượng phát hành… nhân chứng là những người trực tiếp bị ông Lê Phong Linh đe dọa…

* Qua vụ kiện bản quyền này, anh có cảm nghĩ gì về lực lượng tham gia vào hoạt động trên thị trường liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ ở Việt Nam?

– Luật sở hữu trí tuệ vốn dĩ không phải của Việt Nam, mà được du nhập từ các nước phát triển khác, nhưng nó cũng phù hợp với thực tế sáng tạo và kinh doanh ở Việt Nam và được quốc tế công nhận. Luật sở hữu trí tuệ của các nước trên thế giới đều tuân thủ những qui định căn bản được nêu trong hiệp định TRIPS. Mỗi một nước, nếu đã là thành viên của WTO thì phải tuân theo những qui định tối thiểu trong hiệp định TRIPS này (nếu đáp ứng những tiêu chuẩn cao hơn thì càng tốt). Với Việt Nam cũng không ngoại lệ và chúng ta bắt buộc phải tập làm quen với những quy định đó. Đặc biệt trong mối quan hệ của tác giả (là người lao động) và người sử dụng lao động. Đây là lĩnh vực rất quan trọng bởi vì có tới 65 đến 70% tác phẩm được đưa vào khai thác kinh doanh trên thị trường phát sinh và hình thành trong quan hệ lao động này. Vì vậy quan hệ giữa tác giả và người chủ lao động đã được thế giới nghiên cứu rất kỹ lưỡng, đã được xử lý rốt ráo và trở thành những chuẩn mực.

Tuy nhiên, ý thức về quyền tác giả trong mối quan hệ này đối với những người sáng tạo nghệ thuật ở Việt Nam hình như còn có những suy nghĩ cảm tính. Họ cho công sức của họ quá lớn, nghĩ đến quyền tác giả quá “cực đoan”, họ cho rằng nếu mình đã sáng tạo ra một tác phẩm thì có thể làm bất cứ điều gì mình thích với tác phẩm ấy.

Nên nhớ rằng, trong quan hệ lao động, quyền tác giả có thể thuộc về người lao động đã sáng tạo ra nó, nhưng quyền sử dụng tác phẩm luôn luôn là của người sử dụng lao động. Cũng đừng quên rằng, chỉ người sử dụng lao động mới phải chịu rủi ro khi trả lương cho người lao động với hy vọng sẽ được quyền khai thác các sản phẩm có giá trị của người lao động. Nhưng tất nhiên, không phải người lao động nào cũng có thể sáng tác được các sản phẩm có giá trị như vậy.

* Cám ơn anh về cuộc phỏng vấn này.

HỮU TRỊNH (thực hiện)

http://thethaovanhoa.vn/133N20080827083449572T0/don-hoi-ma-thuong-350-trieu-dong!.htm

Bình luận về bài viết này