Luật sở hữu trí tuệ VN bất cập từ định nghĩa (Phần 1)

Thiện Giao, phóng viên đài RFA
2009-05-30

Luật Sở Hữu Trí Tuệ (SHTT) và lãnh vực quyền tác giả tại Việt Nam được giới quan sát cho là còn nhiều bất cập, thậm chí có một số điều đi ngược lại các tiêu chuẩn tối thiểu mang tính quốc tế. Chính các bất cập gây ra tổn thất kinh tế và hạn chế nhiều tác phẩm tinh thần có giá trị được đưa vào phổ biến tại Việt Nam.

Tình trạng băng đĩa lậu tại Việt Nam vẫn tiếp tục lan tràn

Giáo sư luật học Nguyễn Vân Nam, một chuyên viên trong lãnh vực sở hữu trí tuệ, trình bày các bất cập trong luật hiện hành, đồng thời đưa ra một số góp ý. Được biết, các đề xuất của ông cũng đã được gởi đến Ủy Ban Pháp Luật của Quốc Hội Việt Nam.

Cuộc phỏng vấn do biên tập viên Thiện Giao thực hiện, chia thành 2 phần. Xin theo dõi phần thứ nhất.

Thiếu sót cơ bản trong luật Quyền Tác Giả

Thiện Giao: Lãnh vực sở hữu trí tuệ gây nhiều thắc mắc trong giới quan sát Việt Nam. Nhiều người cho rằng, luật sở hữu trí tuệ, đặc biệt là lãnh vực quyền tác giả, còn nhiều bất cập. Xin cho biết quan điểm của giáo sư?

GS Nguyễn Vân Nam: Luật SHTT của Việt Nam, bên cạnh luật cạnh tranh, vẫn còn nhiều sai sót, đặc biệt trong lãnh vực quyền tác giả.

Hiện quyền tác giả là lãnh vực vẫn còn nhiều xung đột, và dần trở thành hiện tượng tranh chấp phổ biến trong hoạt động kinh tế của Việt Nam.

Luật Sở Hữu Trí Tuệ của Việt Nam, bên cạnh luật cạnh tranh, vẫn còn nhiều sai sót, đặc biệt trong lãnh vực quyền tác giả.

GS Nguyễn Vân Nam

Chính tại điều này, luật quyền SHTT của Việt Nam bộc lộ những thiếu sót cơ bản trong luật Quyền Tác Giả.

Thiện Giao: Xin Giáo Sư cho biết quan điểm về quyền tác giả trong luật Việt Nam hiện hành?

GS Nguyễn Vân Nam: Luật SHTT hiện hành của Việt Nam định nghĩa: tác phẩm là các sản phẩm sáng tạo trong lãnh vực văn học nghệ thuật và khoa học, thể hiện bằng bất kỳ phương thức, hình thức nào.

Ngoài ra, theo điều 14, khoản 3, Luật SHTT còn bổ sung thêm: tác phẩm được bảo hộ theo điều 1, điều 2, vân vân, và do tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình và không sao chép từ tác phẩm của người khác.

Thoạt nhìn thì có vẻ “logic.” Nhưng thực ra là chưa chính xác.

Trước hết, luật không nêu lên được điều kiện liên quan đến tác giả trong quan hệ với tác phẩm, tức là dấu ấn đặc trưng riêng của tác giả trong tác phẩm.

Luật cũng không chính xác vì không nêu được điều kiện đủ để phân biệt sáng tạo trong tác phẩm khác với các sáng tạo khác cũng được bảo hộ bởi luật SHTT. Ví dụ, sáng tạo trong sáng chế hay trong giải pháp hữu ích. Rõ ràng là có những sáng tạo hoàn toàn không mang dấu ấn đặc trưng của tác giả.

Trước hết, nếu áp dụng định nghĩa như trong luật hiện hành, thì sẽ không loại trừ được trường hợp tác giả là “pháp nhân phi tự nhiên,” tức là các công ty, không phải là cá nhân, là con người.

Mặc khác, không phân biệt sáng tạo là gì, sáng tạo cái gì đây (sáng tạo tinh thần hay sáng tạo khác), cũng là một vấn đề. Ví dụ: một người có thể bằng lao động sáng tạo, sáng tạo ra một loại vật liệu mới. Nhưng, sáng tạo này không mang dấu ấn cá nhân của người này. Ai cũng có thể phát hiện ra công thức này, và ai có công thức này cũng đều sản xuất được vật liệu. Vậy, công thức mới này, mặc dầu là một sản phẩm được sáng tạo, lại không mang đặc trưng của tác giả.

Mặt khác, do không cần dấu ấn cá nhân tác giả, định nghĩa tác phẩm như theo luật SHTT của Việt Nam cho phép công nhận quyền tác giả đối với tác phẩm sáng tạo không do con người làm ra.

Tức là, định nghĩa quyền tác giả của Việt Nam hiện nay mở rộng thái quá tác phẩm. Vì vậy, tôi đã đề nghị sửa lại định nghĩa tác phẩm trong luật SHTT. Định nghĩa này không do tôi sáng tạo, mà đang được sử dụng rộng rãi tại các nước tiên tiến, trong đó có Liên Minh Châu Âu.

Luật quyền tác giả của Việt Nam cho phép chuyển nhượng quyền tác giả. Điều này trái với tiêu chuẩn quốc tế.

GS Nguyễn Vân Nam

Tôi đề nghị như thế này: tác phẩm là những sản phẩm sáng tạo tinh thần (luật Việt Nam có câu này), và tôi xin thêm vào: mang dấu ấn cá nhân của tác giả trong lãnh vực văn học, nghệ thuật.

Tôi chỉ đề nghị thêm vào mấy chữ “mang dấu ấn cá nhân của tác giả.” Và đây là điều mà phần định nghĩa “tác phẩm” mà luật SHTT Việt Nam còn thiếu.

Thiện Giao: Giáo sư có nhắc đến khái niệm “phát nhân tự nhiên,” “phát nhân phi tự nhiên,” dường như Giáo Sư cho rằng việc chuyển quyền tác giả cũng là điều quan trọng?

GS Nguyễn Vân Nam: Luật quyền tác giả của Việt Nam cho phép chuyển nhượng quyền tác giả. Điều này trái với tiêu chuẩn quốc tế.

Theo tiêu chuẩn quốc tế, quyền tác giả là bất khả chuyển nhượng khi tác giả còn sống. Tác giả chỉ chuyển quyền sử dụng quyền tài sản cho người khác, chứ không bao giờ là quyền tác giả.

Vừa rồi là phần thứ nhất bài trả lời phỏng vấn của Giáo Sư Nguyễn Vân Nam, liên quan đến các định nghĩa căn bản trong luật Sở Hữu Trí Tuệ của luật tác quyền của Việt Nam. Nội dung cho thấy, những khái niệm căn bản nhất của luật hiện hành không song hành cùng những qui ước tối thiểu của quốc tế. Chính từ điều này, các khó khăn bộc lộ rõ hơn trong việc thực hiện bảo hộ quyền tác giả và giải quyết tranh chấp phát sinh. Mời các bạn đón nghe phần thứ nhì trong chương trình phát thanh sau.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Dr-nguyen-van-nam-an-expert-in-intellectual-rights-on-vietnam-current-law-part1-tgiao-05302009132159.html?searchterm=None

Bình luận về bài viết này