Các Mác và Chủ nghĩa tận thu


GS TS Nguyễn Vân Nam

Trong giai đoạn phát triển đầu tiên của chủ nghĩa tư bản, người ta đã thảo luận nhiều về „Luận thuyết con bò sữa“, người nói phải tận thu vắt sữa con bò mỗi ngày cho thật nhiều mới có sản lượng tối đa; người khác bảo phải nuôi nó cho khỏe để có thể cho sữa trong thời gian dài nhất. Trường phái đầu- Chủ nghĩa tận thu- là một trong những nguyên nhân khiến Các Mác viết lý thuyết về sự bần cùng hóa giai cấp vô sản, và sự tất yếu của cách mạng vô sản. Trường phái còn lại, cùng với những nguyên nhân khác, đã buộc chủ nghĩa tư bản rừng rú phải thay đổi một cách căn bản để cùng chung sống trong chế độ Xã hội Dân chủ phương Tây ngày nay.

Có vẻ như chúng ta đang phải đối diện với sự trở lại của Chủ nghĩa tận thu? Phí chồng phí giao thông phi lý đến mức „cùn“; thuế thu nhập cá nhân bất hợp lý, không theo kịp lạm phát, không chú ý đến nhu cầu bảo đảm nhu cầu sống tối thiểu; đủ các loại phí mà người ta có thể nghĩ ra để thu tiền  con trẻ, học sinh, sinh viên đến trường; đủ loại chi phí khi phải đến bệnh viện; v..v và v…v

Hậu quả của Chủ nghĩa tận thu ai cũng biết. Chắc chắn không ai muốn có nó. Nhưng, ngay cả chỉ là ấn tượng, cảm giác về sự tồn tại của thứ chủ nghĩa này cũng đã gây hậu quả rất nghiêm trọng và cần phải được nhanh chóng xóa bỏ.

Phần lớn các qui định về phí giao thông được ban hành có cơ sở pháp lý từ cấp cao nhất. Nhưng rõ ràng chúng có tính chất tận thu và không hợp lòng dân. Phải có một cơ sở pháp lý để hủy bỏ hoặc sửa đổi những qui định hợp pháp như vậy. Chúng ta vẫn chưa xây dựng được những cơ sở pháp lý đó. Đây cần là nhiệm vụ của sửa đổi Hiến pháp lần này. Trong Hiến pháp phải có những qui định có giá trị chung cao nhất làm mục tiêu và giới hạn cho mọi hành vi sử dụng quyền lực nhà nước, để có thể vận dụng chúng mà hủy bỏ các qui định của chính phủ dù đó là những qui định hợp pháp theo luật lệ hiện hành, nhưng không phù hợp với những giá trị chung của Hiến pháp. Nếu Hiến pháp qui định và công nhận phẩm giá của con người là bất khả xâm phạm, thì chắc chắn những qui định thuế thu nhập cá nhân nào khiến người dân sau khi nộp thuế không còn đủ tiền để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu hàng ngày sẽ phải bị hủy bỏ. Khi Hiến pháp công nhận và bảo vệ quyền tự do đi lại, quyền tự do hoạt động kinh doanh, thì mọi loại phí giao thông-dù được ban hành hợp lệ- có ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền tự do lưu thông cá nhân, hay quyền tự do kinh doanh (khiến người ta sợ chi phí giao thông cao mà không muốn kinh doanh nữa) cũng sẽ bị hủy bỏ.

Tất nhiên, những giá trị tốt đẹp bảo vệ, bảo đảm phẩm giá con người cùng các quyền tự do cá nhân trong Hiến pháp sẽ không bao giờ được tôn trọng và thực thi đến nơi đến chốn, nếu các cơ quan thực thi quyền lực nhà nước có thể lý giải áp dụng Hiến pháp một cách chủ quan, tùy tiện mà không bị Tòa Bảo Hiến – một cơ quan hiến định độc lập – giám sát, kiểm tra buộc họ phải tôn trọng, phải lý giải áp dụng đúng đắn Hiến pháp.

Bất cứ qui định nào của chính phủ cũng được nhiều phía xăm xoi và ai cũng có lý của mình. Đó là điều bình thường. Điều bất thường trong một nhà nước pháp quyền là ở chỗ: quyết định sau cùng về sự đúng sai của chính sách, qui định của chính phủ, không dựa trên cơ sở điều luật được Tòa án phán quyết, mà do cấp trên trong hệ thống chính phủ quyết định. Để khắc phục tình trạng nghiêm trọng đã thành thông lệ này của ta hiện nay, phải mở rộng hơn nữa phạm vi các quyết định, hành vi quản lý nhà nước mà người dân có quyền khởi kiện hành chính. Trước mắt, đối với những chính sách, qui định ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân, nên lập tòa án hình chính đặc biệt xử ngay, nếu có một số lượng xác định người dân cùng ký đơn kiện, chẳng hạn nếu được ít nhất 1000 người ký.

Người dân chắc chắn sẽ vui lòng nộp thêm các loại thuế, phí, nếu họ biết chắc đó là vì quyền lợi của chính mình. Nếu không thể áp dụng được cho toàn bộ, thì trước mắt đối với những loại thuế, phí nhậy cảm gây nhiều tranh cãi, cần tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc công khai, minh bạch. Thu bao nhiêu, dùng vào việc gì và ai là người giám sát, ai là người kiểm tra quyết toán đều phải công bố cụ thể cho người dân biết trước khi thực hiện.

Làm được vậy, chắc hẳn những nghi ngại về sự tồn tại của một thứ chủ nghĩa tận thu sẽ nhanh chóng biến mất.

Không thể lấy răn đe người dân làm trọng tâm


GS TS Nguyễn Vân Nam

 

Tội „chống người thi hành công vụ“, mà trung tâm là xác định thế nào là công vụ, vốn là một đề tài tranh luận không dứt trong suốt lịch sử phát triển Nhà nước pháp quyền.

Thời quân chủ, chỉ cần nhân danh nhà vua thì bất cứ ai cũng không được chống lại; không ai được hỏi lệnh vua đúng hay sai.

Thủa ban đầu của Nhà nước quân chủ lập hiến, thực thi công vụ được hiểu là mọi hoạt động nhân danh Nhà nước. Quá trình phát triển Nhà nước pháp quyền chỉ ra rằng bản chất của hoạt động công vụ là sử dụng quyền lực Nhà nước. Trong Nhà nước pháp quyền, bất kỳ hình thức sử dụng quyền lực Nhà nước cũng phải được luật pháp cho phép. Nói một cách khác, mỗi một hành vi, một hoạt động công vụ nào cũng phải căn cứ vào ít nhất là một điều luật. Hoạt động sử dụng quyền lực Nhà nước mà không có cơ sở  pháp lý (không căn cứ trên một điều luật cụ thể nào) không những không phải là hoạt động công vụ, mà còn là hành vi lợi dụng quyền lực Nhà nước.

Mặc dù trước kia, Luật hình sự của một số nước phát triển không qui định rõ thế nào là công vụ để xác định khi nào thì hành vi chống lại người sử dụng quyền lực Nhà nước không phải là chống người thi hành công vụ; nhưng với nguyên tắc sử dụng quyền lực Nhà nước ở trên, giới luật sư, luật học đã bảo vệ thành công nhiều trường hợp công dân phản ứng với chính quyền. Tuy nhiên, trường phái theo chủ nghĩa răn đe trong Luật Hình sự vẫn thuyết phục được nhiều người với lập luận rằng, khi chống lại người thi hành công vụ, „Tội phạm“ thường mặc định rằng đó là hoạt động công vụ thật sự và vì vậy rõ ràng là có chủ đích chống lại công vụ, chống người thi hành công vụ. Luật hình sự phải trừng phạt người có chủ đích này để răn đe. Tiếp tục đọc

Vinashin- Cơ hội bị mất


GS TS Nguyễn Vân Nam

          Tất nhiên, một trong những chủ nợ của Vinashin- công ty Elliott VIN (Hà Lan) B.V. – đã phải nghiên cứu rất kỹ khả năng thắng kiện mới chính thức khởi kiện Vinashin tại London vào ngày 01/11/2011 vừa qua.

          Nhưng, đối với Vinashin, vấn đề của chủ nợ là khả năng thu hồi nợ chứ không còn là thắng kiện nữa. Trường hợp lý tưởng là Nhà nước (Chính phủ) CHXHCN Việt nam chịu trách nhiệm trả các khoản nợ của Vinashin. Nếu không, phải tịch thu được tài sản của Vinashin. Đây là những việc không dễ.

(1)   Chính phủ Việt nam không bảo lãnh vay cho Vinashin, không có hợp đồng bảo lãnh, thư bảo lãnh hay bất kỳ văn bản bảo lãnh nào được chính phủ VN ký kết với chủ nợ nước ngoài của Vinashin.

Dù Việt Nam nhiều lần khẳng định thực hiện nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN với trụ cột là các doanh nghiệp nhà nước; Dù Nghị định 134/2005/NĐ – CP  về quản lý vay và trả nợ nước ngoài xác định nguyên tắc Chính phủ thống nhất quản lý toàn diện nợ nước ngoài của quốc gia, nhưng phải hiểu nợ quốc gia là những khoản nợ do chính phủ trực tiếp ký kết vay hoặc trực tiếp bảo lãnh vay; Dù nhà nước (chính phủ) là chủ sở hữu các tập đoàn, công ty nhà nước, thì cũng chỉ chịu trách nhiệm về nợ của chúng trong giới hạn luật định đối với chủ sở hữu, chứ không chịu trách nhiệm trả nợ thay doanh nghiệp- một pháp nhân độc lập với chủ sở hữu.

Trong trường hợp (1), với phán quyết của Tòa án tại London buộc Vinashin phải trả nợ, Công ty Elliott VIN có quyền tịch thu tài sản; các khoản tiền trong tài khoản, đang thanh toán hoặc sẽ được thanh toán theo các Hợp đồng của Vinashin với đối tác; v…v ở nước ngoài của Vinashin. Nhưng không được phép đụng đến tài sản ở nước ngoài của chính phủ, nhà nước Việt nam, chẳng hạn tịch thu máy bay của Vietnam Airlines.

Việc tịch thu tài sản, tiền của Vinashin tại Việt nam còn khó hơn nhiều. Vì phán quyết của Tòa ở London còn phải được Tòa án Việt nam công nhận và cho phép thi hành tại Việt nam.

  Tiếp tục đọc

Học để làm gì?


Một câu hỏi giản dị, tưởng không quá khó trả lời đối với mỗi người. Một câu hỏi- do tầm quan trọng đặc biệt đối với ngành giáo dục- cũng không được phép có câu trả lời không rõ ràng. Nhưng trong thực tế, thật ngạc nhiên,  nó lại vẫn là một câu hỏi lớn không có câu trả lời.

 Hôm nay, lần đầu tiên tôi được đi dự một lễ tốt nghiệp đại học ở Việt nam: lễ phát bằng tốt nghiệp của trường ĐH Luật tp. HCM. Tràn ngập sân trường, hội trường, là những gương mặt trẻ măng, tươi rói rạng ngời niềm tự hào. Người sắp tốt nghiệp mặc áo thụng đen, đội mũ vuông đen, có lẽ rất tự hào về thành quả học tập của mình, có thể cả về kiến thức mà mình làm chủ nữa. Bậc sinh thành tự hào vì là cha mẹ của những sinh viên đang rạng ngời hạnh phúc kia, có lẽ cả tự hào về những cố gắng hết lòng hết sức mình cho thành quả của họ.

 Tôi hỏi một người mặc áo thụng, đội mũ vuông đỏ về ý nghĩa chiếc áo. Đó là áo dành cho người sẽ lên phát bằng. Áo thụng đỏ dải xanh là của tiến sĩ, dải đen là thạc sĩ.

 –         „Tại sao sinh viên sắp tốt nghiệp lại phải mặc áo thụng đen và người trao bằng mặc áo thụng màu đỏ?“ Tôi tò mò hỏi một thầy giáo ngồi cạnh.

Tiếp tục đọc

Trách cái gì, trách ai ?

GS TS Nguyễn Vân Nam

Phòng khám bệnh y học Trung quốc ´´nổ“; mỹ phẩm làm trắng da trong vài ngày ; quần làm giảm cân trong 5 phút v…v cũng nổ ầm ầm trên các kênh TV. Nổ không kém, mà còn lâu hơn, là quảng cáo của hàng loạt nhãn hiệu sữa…nhìn đâu cũng thấy “nổ “ làm dân bức xúc. Trách ai ?

Sở y tế chăng ? Sở Y tế có trách nhiệm xem xét cấp giấy phép hoạt động cho phòng khám Trung quốc. Do đó sẽ chỉ phải chịu trách nhiệm, nếu thầy thuốc ở đó không có bằng cấp, chứng chỉ chuyên môn hợp lệ, cơ sở vật chất của phòng khám không bảo đảm. Sở y tế có trách nhiệm duyệt nội dung quảng theo các qui định về quảng cáo của Luật quảng cáo, chứ không phải là kiểm tra tác động của hành vi quảng cáo theo tiêu chuẩn Luật Cạnh tranh (LCT). Mà những quảng cáo ’’nổ’’ như thế là nhằm để thu hút người bệnh (người tiêu dùng), tức là phải được xem xét bởi Luật Cạnh tranh. Nói một cách khác, Sở Y tế không có nhiệm vụ kiểm tra, buộc các phòng khám bệnh không được ’’nổ’’. Đó là nhiệm vụ của LCT.

Trách các nghệ sĩ tiếp tay cho ’’nổ’’ mạnh hơn, xa hơn cũng không nên. Họ không có trách nhiệm kiểm tra trước xem quảng cáo đó có phạm pháp luật hay không rồi mới tham gia, bởi có muốn họ cũng không đủ khả năng. Nghệ sĩ cũng không có nghĩa vụ cùng chịu trách nhiệm với người thực hiện một quảng cáo phạm luật, vì chỉ là người được thuê. Trên hết, với một ý thức trách nhiệm, họ có quyền tin vào sự hợp pháp, chính đáng của những quảng cáo đã được Sở Y tế duyệt nội dung, được nhà đài phát sóng. Luật Cạnh tranh có nhiệm phụ làm cho doanh nghiệp ’’sợ’’ mà không dám chiêu dụ người nổi tiếng tham gia quảng cáo không lành mạnh. Tiếp tục đọc

Sao cứ kiện vòng vo


Nguyễn Vân Nam

 

„Tối nay đi uống cà fê hả?“ tôi rủ người bạn luật sư và bị từ chối ngay: „ Chịu thôi, trời mưa đường ngập, lỡ sụp hố là tiêu đời ông ơi“. „Dũng cảm lên, sụp hố thì ông kiện làm gương đi“. „Còn lâu mới tìm ra mấy công ty làm cống thì kiện thế nào được“. Sao lại kiện công ty? Tôi hỏi và bị hỏi vặn: Chứ kiện ai?

Ai cũng từng nghe „Nhà vua không bao giờ sai“ . Không phải vì Vua là thiên tài, hiểu biết tất cả, mà chỉ đơn giản vì đó là Vua. Nhà Vua ban hành luật lệ, nhưng không bị ràng buộc hay hạn chế bởi luật lệ. Chế độ quân chủ được thay thế bởi chế độ cộng hòa. Thoạt đầu, Nhà nước thay thế vị trí của Vua và cũng không bao giờ sai, vì hiển nhiên Nhà nước không thể sai. Chỉ có nhân viên Nhà nước làm sai mà thôi.

Cùng với sự hình thành Nhà nước pháp quyền là sự xuất hiện ý thức, triết lý pháp lý mới. Bản chất Nhà nước pháp quyền là sự ràng buộc Nhà nước và việc sử dụng quyền lực Nhà nước bằng pháp luật. Như vậy Nhà nước có thể sai, có thể vi phạm pháp luật. Theo nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước phải chịu hoàn toàn trách nhiệm- kể cả trách nhiệm bồi thường thiệt hại-đối với những hành vi vi phạm pháp luật của mình như mọi thành viên khác trong xã hội.

Điều 2 Hiến pháp 1992 của nước CHXHCN Việt nam (sửa đổi năm 2001), nêu rõ Nhà nước là của dân, do dân, vì dân, toàn bộ quyền lực Nhà nước là của dân. Chính điều này xác định rõ quan hệ giữa Nhà nước với người dân (công dân). Người dân trao quyền lực Nhà nước cho 03 cơ quan hiến định là Quốc hội, Chính phủ và Tư pháp sử dụng. Vì vậy, các cơ quan này phải chịu trách nhiệm trực tiếp với người dân về việc sử dụng quyền lực Nhà nước đúng mục đích vì dân, trên cơ sở và trong khuôn khổ pháp luật.

Cùng với sự phát triển quan niệm về quyền lực Nhà nước, người ta cũng chứng kiến sự thay đổi quan niệm về người phải chịu trách nhiệm khi sử dụng sai quyền lực công. Trước kia, công chức nào nào làm sai, người đó phải chịu trách nhiệm, vì Nhà nước không thể sai. (Chẳng hạn như  Luật nước Phổ- nước Đức xưa- năm 1794 qui định). Ngày nay, khi quyền lực Nhà nước bị sử dụng sai, người chịu trách nhiệm là người trực tiếp nhận quyền lực ấy từ người dân: 03 cơ quan hiến định. Trên nguyên tắc, ngay cả khi cá nhân công chức làm sai thì Nhà nước cũng phải là người chịu trách nhiệm, vì công chức chỉ là người được Nhà nước ủy quyền thực hiện quyền lực Nhà nước cho những trường hợp cụ thể. Trong ý nghĩa pháp lý, điều đó có nghĩa là người dân có thể và trước tiên cần khởi kiện trực tiếp Chính phủ khi Chính phủ không hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Tiếp tục đọc

CHỦ NGHĨA QUAN HỆ VÀ SỰ TỒN VONG CỦA CHẾ ĐỘ

TS Nguyễn Vân Nam

Giới nghiên cứu đang ra sức phân tích nguyên nhân sự phẫn nộ-khá bất ngờ- của người dân đã trở thành cuồng phong cuốn phăng chế độ toàn trị ở Tunisia, Ai cập và có thể cả Libya.

Suharto tại Indonesia, Marcos của Philippines ở Châu Á trước kia và hiện nay ở Trung đông là Ben Ali của Tunisia, Mubarak của Ai cập, Gadafi của Libya đều là những anh hùng dân tộc khi lên nắm quyền và là kẻ độc tài tỷ phú lúc bị lật đổ. Con đường „biến vốn chính trị ban đầu thành vốn tài chính cá nhân“ ( lời GS kinh tế Samer Soliman) của họ cũng không khác nhau: nắm quyền, chủ nghĩa gia đình trị, xã hội hóa chủ nghĩa gia đình trị biến nó thành kinh doanh quan hệ, rồi vơ vét, tham nhũng. Đây cũng chính là nguyên nhân nội tại sâu xa quan trọng nhất dẫn đến sự sụp đổ bất ngờ của chế độ.

Chủ nghĩa gia đình trị (Nepotism) bảo đảm những đặc ân cho bà con, người trong gia đình của người giữ quyền lực. Nepotism được biết đến từ thời cổ đại. Đặc biệt là Nepotism trong giáo hội từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 17. Giáo hoàng Bonifatius VIII từ năm 1297-và những người kế nhiệm- đã thành công trong việc duy trì Nepotism trong suốt hơn 300 năm.

Điển hình nổi tiếng của Nepotism thời nay là tổng thống Mỹ John F. Kennedy: Ông bổ nhiệm em trai mình là Robert Kennedy làm bộ trưởng tư pháp. Một việc làm chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Sau khi J.F. Kennedy mất, Mỹ đã ra luật cấm Nepotism.

Đặc trưng của Nepotism là vị trí thân thiết của các cá nhân liên quan và được hình thành không phải trên cơ sở trao đổi có qua có lại. Chính điều này phân biệt nó với các quan hệ khác; đặc biệt là với tham nhũng-một loại quan hệ trao đổi có qua có lại cụ thể và thường chỉ cho từng trường hợp riêng biệt. Nepotism tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng, gây ra những hậu quả giống tham nhũng. Nhưng trong môi trường một chế độ toàn trị, Nepotism phát triển biến tướng dẫn đến nhiều hiểm họa khôn lường hơn.

Nepotism hiện đại được hiểu rộng hơn chủ nghĩa gia đình trị cổ điển khi đối tượng của nó không còn gói gọn trong phạm vi gia đình, họ hàng. Nó phát triển biến tướng trở thành một kiểu chủ nghĩa quan hệ (CNQH) với đặc trưng vẫn là một loại quan hệ không hình thành do nhu cầu trao đổi có qua có lại cụ thể, mà là nhu cầu/hy vọng sẽ được lợi. Khi một vị trí quyền lực (kinh tế,công quyền) bị lợi dụng để tạo điều kiện thuận lợi-một cách bất hợp pháp-cho cá nhân hoặc một nhóm lợi ích có quan hệ gần gũi (bà con họ hàng, bạn bè đồng hương, đồng hội, cùng tổ chức, cùng quan điểm chính trị, cùng tính ngưỡng v…v) với người giữ quyền lực  của vị trí đó, đặc biệt khi vị trí công quyền bị lợi dụng để đề ra những qui định tạo thuận lợi cho người thân quen trở thành nhân viên công quyền, thì đó là những trường hợp dễ thấy nhất của CNQH hiện đại.

Tiếp tục đọc

Gian lận xăng dầu-chuyện lớn hay nhỏ?


GS TS Nguyễn Vân Nam

Tới quán Cafe nổi tiếng và quen thuộc, có hôm tôi gọi một tô bún mc, nhưng mấy viên mọc bốc mùi thiu không thể nuốt nổi. Khi trả tiền, vừa mới hỏi sao lại đem thứ như thế cho khách ăn? Cô phục vụ cười tươi như hoa và thản nhiên: sao anh khó tính thế? Một kiểu giao dịch không sòng phẳng chỉ làm lợi cho chủ quán, vi phạm thỏa thuận bất thành văn tiền nào của nấy, nhưng mấy ai coi đó là gian dối? Chỉ vài viên mọc thiu mà cũng kiếm chuyện! Chuyện nhỏ.

Bạn đã từng đi chợ, hẳn không ít lần về nhà mới phát hiện ở giữa bó rau hay gói trái cây là thứ gì đó khác hẳn vẻ tươi ngon của lớp che đậy bên ngoài. Họ chẳng sòng phẳng, họ không giữ thỏa thuận. Gian dối thật. Nhưng, ai mà chẳng vài lần bị như thế. Chuyện nhỏ, tức mà chi, giận dữ để làm gì.

Bạn đầu tư cho con học ở trường quốc tế vì được hứa hẹn có bằng tốt nghiệp liên thông quốc tế, con bạn sẽ được học tiếp ở những đại học danh tiếng của nước ngoài. Nhưng, giữa chừng cái trường quốc tế ấy biến mất khỏi Việt nam. Họ chẳng giữ lời. Rõ là gian dối, là lừa đảo. Nhưng, bạn có thể làm được gì, ai có thể giúp bạn làm được gì? Thôi, cho qua, đành coi là chuyện nhỏ.

Đã bao lần chính phủ cam kết không tăng giá xăng, nhưng ngay sau đó không những tăng, mà là tăng cao thật ngoạn mục. Chính phủ không giữ lời để bảo đảm lợi nhuận cho các công ty xăng dầu. Gian dối ư? Không đời nào. Khiếu nại ư? Giá dầu thế giới tăng thì ta cũng phải tăng chứ. Thế còn lời cam kết? Sao anh khó tính thế.

Từ bao giờ, chúng ta đã quen với sự không sòng phẳng, thất hứa, với việc không giữ đúng thỏa thuận trong những quan hệ nho nhỏ để ngày hôm nay trở thành dửng dưng trước sự gian dối ở khắp nơi, trong mọi lĩnh vực như vậy?

Tiếp tục đọc

Nhà nước pháp quyền quản lý thế nào?

GS-TS Nguyễn Vân Nam

Là thành viên Tổ chức thương mại thế giới và nhiều tổ chức quốc tế khác, Việt nam có trách nhiệm xây dựng Nhà nước pháp quyền như một điều kiện để có thể hòan thành cam kết thực thi những tiêu chuẩn quốc tế tối thiểu trong qúa trình hội nhập. Như thế, Nhà nước pháp quyền không thể được xây dựng theo những nguyên tắc do mỗi quốc gia tự đặt ra, mà phải tuân theo một số nguyen tắc nền tảng chung. Ở Việt nam, những nguyên tắc này hầu như chưa được nhắc đến; một vài điểm có được ứng dụng trong thực tiễn nhưng chưa được luật hóa.

Một Nhà nước pháp quyền hiện đại là Nhà nước của dân, do dân và vì dân. Người dân trao cho Nhà nước ấy quyền lực tối cao bao trùm xã hội và có tính cưỡng bức để hòan thành những nhiệm vụ xác định. Về cơ bản đó là bảo đảm an sinh cộng đồng; giữ gìn an ninh trật tự; bảo đảm các quyền tự do của công dân; bảo đảm và phát triển phúc lợi xã hội; giữ gìn bản sắc dân tộc và hội nhập thành công. Một trong những chức năng chủ yếu để hòan thành các nhiệm vụ đó là chức năng quản lý của Nhà nước. Nói một cách khác, quản lý Nhà nước không phải là một nhiệm vụ tự thân, mà là để hòan thành những nhiệm vụ xác định. Nhà nước pháp quyền dân chủ không thể và cũng không được phép quản lý xã hội công dân theo cái cách và vai trò như một người cha quản lý con cái trong gia đình. Tòan bộ các tổ chức, cơ quan và định chế của Nhà nước cũng bình đẳng như những công dân khác trước pháp luật, trước Tòa án. Nhà nước chỉ được phép thực hiện chức năng quản lý trong khuôn khổ, vì những mục tiêu và theo cái cách do  người dân qui định.
Tiếp tục đọc

CHỐNG THAM NHŨNG, ĐƯỢC KHÔNG?

GS TS Nguyễn Vân Nam

Có thể, nếu…


1. Việt nam có tham nhũng không?

1.1. Chuyện quốc tế.

Tham nhũng ư? Chuyện xưa như trái đất. Ở đâu có quyền lực ở đó có thể có tham nhũng, nước nào mà chẳng có tham nhũng. Rất nhiều người sẽ nói như vậy. Cách hiểu về tham nhũng (thậm chí là bản chất tham nhũng), qui mô, „chất lượng“ và hậu quả của tham nhũng cũng rất khác nhau tùy mỗi nước. Đúng thôi.

Nhưng ngày nay, qúa trình Toàn cầu hóa đã khiến tham nhũng không còn là chuyện nội bộ của mỗi quốc gia nữa. Cộng đồng quốc tế phải đặc biệt quan tâm đến việc cùng nhau tìm ra cách thức chung để giải quyết nạn tham nhũng, cũng có nghĩa là cần tìm ra những đặc trưng có giá trị phổ quát của tham nhũng.

Các nước phát triển- nơi có môi trường cạnh tranh tự do, lành mạnh- phải quan tâm xử lý cạnh tranh không lành mạnh giữa chính các công ty của mình ở thị trường nước ngoài, nơi họ có thể dễ dàng hối lộ để nhận được hợp đồng. Trong vai trò nước cung cấp viện trợ phát triển và các khoản vốn đầu tư quan trọng nhất cho phát triển, các nước này ngày càng phải quan tâm đến việc sử dụng tiền của nước nhận viện trợ. Quản trị công tồi tệ gây thất thoát, sử dụng không hiệu quả số tiền này có thể gây hậu quả dây chuyền rất nghiêm trọng đến cộng đồng quốc tế (như trường hợp khủng hoảng của Hy lạp vừa qua). Cấp viện trợ, tín dụng một cách dễ dãi không cần quan tâm đến hiệu quả sử dụng cũng sẽ khiến người đóng thuế tại nước cấp viện bất bình và có thể dẫn đến giảm mạnh độ tín nhiệm vào chính phủ.

Theo Tổ chức minh bạch quốc tế TI (Transparency International) tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực được tin cậy giao phó cho lợi ích cá nhân. „Corruption is operationally defined as the misuse of entrusted power for private gain“. Dưới góc độ pháp lý rộng hơn, luật pháp của nhiều nước Châu Âu định nghĩa tham nhũng gồm 02 yếu tố cấu thành: a) Hành vi lạm dụng vị trí quyền lực, không tôn trọng các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi, trách nhiệm công chức và luật pháp; và b) Cho lợi ích cá nhân. Những định nghĩa như vậy chủ yếu hướng vào sự lạm dụng quyền lực công (quyền lực của Nhà nước, cơ quan công quyền).

Tuy nhiên, lạm dụng quyền lực được tin cậy giao phó không chỉ trầm trọng ở cơ quan công quyền, mà còn ngày càng phát triển trong giao dịch kinh tế, dân sự, chính trị quốc tế. Vì vậy, Hội đồng Châu Âu cùng Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển đã đưa ra một định nghĩa rộng hơn về tham nhũng. Theo đó, tham nhũng gồm các yếu tố cấu thành sau: a) Hành vi của những người được tin cậy giao phó nhiệm vụ công hoặc tư; b) Không tôn trọng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình; c) Nhằm đạt được các lợi ích không chính đáng. Định nghĩa này bao trùm các lĩnh vực công, tư, bán công, chuẩn mực đạo lý của xã hội dân sự, thực tiễn lợi dụng vị trí được tin cậy trong giao dịch dân sự, cũng như tham nhũng chính trị.

Điểm đặc biệt là ở đây, người ta không nhắc đến quyền lực mà chỉ nói đến nhiệm vụ được tin cậy giao phó. Điều này phù hợp với quan điểm chung thống nhất hiện nay về nguyên tắc phân chia quyền lực trên cơ sở quan hệ giữa nhiệm vụ và quyền hạn trong một Nhà nước pháp quyền. Theo đó, quyền lực được trao là để hoàn thành một nhiệm vụ xác định. (Nghĩa là phải xác định nhiệm vụ cụ thể trước khi trao quyền). Việc nhấn mạnh „ được tin cậy giao phó“ cho thấy nguyên nhân sâu xa của tham nhũng nằm ở lòng tin, ở giá trị của sự được tin cậy và cùng với nó là sự cần thiết phải xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội dân sự. Ngoài ra, việc không còn giới hạn mục tiêu tham nhũng trong phạm vi „vì mục đích cá nhân“, mà mở rộng thành „ đạt được những lợi ích không chính đáng“ cũng giúp pháp luật dễ dàng thâu tóm được hầu hết các hình thức tham nhũng rất tinh vi hiện đại.

Tham nhũng là một hiện tượng đặc trưng và nổi tiếng của các nước đang phát triển (ĐPT), đặc biệt là các nước nghèo. Nhưng không phải vì thế mà người ta nhanh chóng nhất trí về nguyên nhân gây tham nhũng. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi tham nhũng còn được xem là chuyện nội bộ của các nước ĐPT, thì  quản trị công tồi = chính phủ yếu kém (Bad Governance) vẫn được coi là nguyên nhân cơ bản gây tham nhũng. Vì vậy, để chống tham nhũng, các nước cấp viện yêu cầu các nước ĐPT xây dựng một chính phủ quản trị tốt theo tiêu chí của EU như sau:

–          Trách nhiệm của chính phủ thể hiện qua sự minh bạch và kiểm soát được của các trình tự ra quyết định.

–          Sự chính danh của chính phủ qua bầu cử.

–          Nhà nước pháp quyền.

–          Trách nhiệm vì quyền lợi cộng đồng của các định chế công.

–          Tôn trọng quyền con người.

–          Bảo đảm tự do ngôn luận, báo chí.

–          Tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình cân bằng-kiểm soát quyền lực công.

Không khó khăn gì để thấy ngay rằng những yêu cầu này là phi thực tế, không thể thực hiện nổi ở các nước ĐPT, mà đặc biệt là ở các nước kém phát triển mới bước đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền. Do những đòi hỏi này là quá cao, không phù hợp khả năng và hoàn cảnh thực tế của mình, các nước ĐPT cũng không tin vào các biện pháp chống tham nhũng được các nước cấp viện đề nghị.

Sau đó, trước tình hình tham nhũng ở các nước ĐPT càng trầm trọng, dưới sức ép Tòan cầu hóa, các tổ chức quốc tế, các nước phát triển đã phải phối hợp nghiên cứu chống tham nhũng một cách thực tế hơn, bài bản hơn. Ngày nay, ngân hàng thế giới WB, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD, Liên minh Châu Âu, nhận định nguyên nhân gây ra tham nhũng chủ yếu là do: a) Nghèo đói; b) Quản trị công kém; c) Tác động của các công ty nước ngoài.

Tiêu chí để xây dựng một chính phủ có khả năng quản trị tốt cũng thay đổi uyển chuyển hơn. Đó là: a) Một chính phủ có ý thức trách nhiệm cao; b) Tôn trọng các nguyên tắc dân chủ; c) Xây dựng được các điều kiện khung thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội là điều kiện cơ bản để chống đói nghèo, chống tham nhũng.

1.2. Chuyện ta.

Tiếp tục đọc

Chiến lược về Quyền Sở Hữu Trí Tuệ để phát triển kinh tế.

GS-TS Nguyễn Vân Nam (CHLB Đức)

 

Các Nước Phát Triển (CNPT)  đã sử dụng quyền SHTT như một công cụ chính trị-kinh tế đắc lực để hỗ trợ sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế. Bảo hộ Sáng chế được CNPT sử dụng như một công cụ đặc biệt để: Định hướng phát triển công nghiệp; Hấp dẫn đầu tư có chọn lọc;Thúc đẩy chuyển giao công nghệ; Thúc đẩy phát huy sáng kiến cải tiến khai thác công nghệ; Bảo vệ doanh nghiệp trong nước;và Xây dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. Trong thời đại Toàn cầu hóa, quyền SHTT đã trở thành một yếu tố hấp dẫn đầu tư quan trọng trong cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia nhằm thu hút đầu tư trực tiếp.

I. Ảnh hưởng của quyền SHTT đến phát triển Kinh tế.

Cho đến những năm 70 của thế kỷ trước, vốn tài chính và sức sản xuất vẫn được coi là yếu tố quyết định phát triển kinh tế. Nhưng vào những năm 80, lý thuyết phát triển kinh tế  này đã tỏ ra bất lực trong việc giải thích, giải quyết các hiện tượng tăng trưởng mới. Ra đời sau đó, lý thuyết tăng trưởng kinh tế trên cơ sở tri thức và tính không hoàn thiện của thị trường đã nhanh chóng trở thành cơ sở lý luận quan trọng nhất khi xây dựng chiến lược phát triển kinh tế quốc dân. Ngày nay, hiệu qủa hình thành và sử dụng tri thức là yếu tố quyết định phát triển kinh tế.

a) Ảnh hưởng đến quan hệ giữa các nước giàu với các nước nghèo (Quan hệ Bắc-Nam)

Khi một nước ĐPT theo đuổi chiến lược tăng trưởng kinh tế, nó cần phải có Know-How, cần tri thức. Đây là một thách thức rất lớn đối với đa số CNĐPT. Bởi sự cách biệt giữa nước nghèo và nước giàu trong việc tạo ra và thu nhận tri thức còn lớn hơn rất nhiều so với khác biệt thu nhập tính theo đầu người. Bên cạnh sức mạnh kinh tế, sự hoạt động có hiệu qủa của cơ quan công quyền, viện nghiên cứu v…v thì hiệu qủa hoạt động sản xuất tri thức cũng là một nguyên nhân quan trọng làm nên sự khác biệt này. Như vậy, hoạt động sáng tạo sẽ được mở rộng và phát triển tốt ở những nơi đã có sẵn: a) Các tổ chức Nghiên cứu; b) Sự phối hợp hoạt động tốt của mạng lưới các tổ chức nghiên cứu, dịch vụ và sản xuất; và c) Ở những nơi mà các kết qủa nghiên cứu trước đó dễ dàng được mở rộng và áp dụng. Điều này dẫn đến hệ qủa là hoạt động Nghiên cứu & Phát triển sẽ chỉ tập trung ở một vài trung tâm, một vài quốc gia. Nói một cách khác: các nước nghèo có thể sẽ bị gạt ra bên lề qúa trình phát triển chung.

Tiếp tục đọc

Nên cải cách doanh nghiệp nhà nước như thế nào?

GS TS Nguyễn Vân Nam

Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN là một sáng tạo có ý nghĩa hết sức quan trọng của Đảng CSVN và quyết định tương lai đất nước. Trong nền kinh tế ấy, ắt phải có một yếu tố nào đó giữ vai trò chủ đạo định hướng cho thị trường không đi trệch con đường XHCN. Vì thế, như một lẽ tự nhiên, kinh tế Nhà nước phải đảm nhận vai trò chủ đạo này với công cụ là các doanh nghiệp nhà nước (DNNN).

 

Theo các thông tin, văn kiện chính thức thì các DNNN của ta được thành lập để:

–          „Thực hiện định hướng XHCN, KT nhà nước là chủ đạo.“.

Tuy nhiên, trong thực tiễn:  Thế giới chưa có một nền KTTT theo định hướng XHCN nào thành công, hay đang thực hiện có kết quả để ta so sánh rút kinh nghiệm cả. Mặc dù vậy, nhiều nước phát triển đã xây dựng thành công một nền KTTT trong đó các vấn đề xã hội do hệ quả tiêu cực của thị trường tự do gây ra được giải quyết hài hòa với mục đích không phải lợi nhuận, mà là bảo đảm cuộc sống có phẩm giá cho mọi người (Đây chắc cũng phải là mục tiêu của CNXH mà chúng ta mong muốn). Đó là nền Kinh tế Thị trường Xã hội (điển hình là CHLB Đức). Trong nền kinh tế này không có kinh tế Nhà nước (theo nghĩa hoạt động kinh doanh nhằm mục tiêu lợi nhuận), cũng không có việc ưu tiên một thành phần kinh tế nào để nó thành chủ đạo; Nhà nước tham gia hoạt động kinh tế theo những nguyên tắc khác hẳn chúng ta.

–          „Kinh doanh trong những lĩnh vực thiết yếu để phục vụ nền KT và giữ độc lập, tự chủ về kinh tế“.

Thực tiễn: Sự phát triển của đại đa số các quốc gia đều chứng minh hoạt động của DN tư nhân mới là có hiệu quả nhất trong đa số các lĩnh vực thiết yếu của nền KT quốc dân. Trong thời đại Toàn cầu hóa, không có bất kỳ quốc gia nào có khả năng- vì vậy cũng không đặt thành nhiệm vụ- giữ độc lập và tự chủ về kinh tế theo cách hiểu truyền thống về độc lập tự chủ của chúng ta.

 

–          „Tạo những quả đấm thép làm trụ cột và chủ lực trong cạnh tranh, đi đầu phát triển doanh nghiệp“.

Thực tiễn: hoạt động của các DNNN cho thấy họ lại chính là những quả đấm thép cản trở hình thành các trụ cột phát triển kinh tế thông qua cạnh tranh hiệu quả.

 

–          „Thực hiện chiến lược phát triển một số ngành, một số nhiệm vụ KT-XH“.

Thực tiễn: với sự hỗ trợ của NN về chính sách, DN tư nhân sẽ phát triển các ngành đó tốt hơn. Các DNNN hiện không hoạt động theo mục tiêu hoàn thành một số nhiệm vụ KT-XH mà vẫn là lợi nhuận.

 

–          „Kinh doanh, đầu tư trong những lãnh vực tư nhân không làm, không muốn làm“.

Thực tiễn: DNNN hoạt động tại đây lại không phải là để đáp ứng những nhu cầu xã hội mà DN tư nhân không muốn đáp ứng vì không đem lại lợi nhuận, mà vẫn là để thu lợi nhuận, thậm chí là lợi nhuận cao hơn do được độc quyền.

Tiếp tục đọc

Kinh tế Tri thức- phép màu Kinh tế mới?

GS-TS Nguyễn Vân Nam, LL.M.

Kinh tế tri thức (KTTT) từ vài năm nay đã trở thành một khái niệm kinh tế thời thượng ở các nước phát triển (CNPT). KTTT được tiên đoán sẽ là cuộc cách mạng của mọi cuộc cách mạng trong lịch sử nhân loại, sẽ tạo ra những bước ngoặt, những thay đổi căn bản với những hậu qủa không thể dự đoán được trong mọi mặt cuộc sống con người. Các nước đang phát triển (CNÐPT) cũng chợt khám phá KTTT như một phép màu có thể giúp họ nhanh chóng đuổi kịp và vượt CNPT. Liệu hy vọng này có dựa trên cơ sở lý luận thuyết phục, có khả năng trở thành hiện thực hay không? cũng là một câu hỏi quan trọng của các nước cung cấp Viện trợ phát triển.

Ðược tài trợ của nhiều nước cấp viện, lần đầu tiên một cuộc Hội thảo quốc tế về Kinh tế Tri thức đã được trường Ðại học tổng hợp Humboldt và Ðại học Tự Do tổ chức tại Berlin (CHLB Ðức) vào tháng 05.2000 với chủ đề: „ Những vấn đề trong tương lai của Trật tự Kinh tế Thế giới mới“. Là một người tham dự hội thảo, xin tóm tắt các ý kiến được sự nhất trí cao của hội thảo như sau:

Kinh tế tri thức là gì?

Tiếp tục đọc

Cải cách doanh nghiệp nhà nước – Phân biệt doanh nghiệp độc quyền và có vốn nhà nước

GS.TS Nguyễn Vân Nam

Nên đặt vấn đề cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong tổng thể chung giải quyết vấn đề kinh tế nhà nước như thế nào để hội nhập thành công. Cần có quy định pháp lý phân biệt rõ ràng DNNN độc quyền với doanh nghiệp có vốn góp của nhà nước.

Nhà nước có “nghĩa vụ” sử dụng các DNNN độc quyền trong một số lĩnh vực quan trọng để đáp ứng nhu cầu cần thiết tối thiểu cho hoạt động xã hội và cuộc sống người dân. Ảnh: TL SGTT

Trong lịch sử kinh tế thế giới, kinh tế kế hoạch chỉ huy – kết hợp các ưu điểm của cơ chế thị trường dưới sự chỉ huy của lý trí “luôn luôn đúng“ của lãnh đạo – không xa lạ. Nền kinh tế kế hoạch chỉ huy thành công nổi tiếng nhất là nền kinh tế của nước Đức phátxít dưới sự lãnh đạo của Hitler. Thời đó, tỷ lệ thất nghiệp của Đức là 0%, Đức quốc xã là nước áp dụng thành công lý thuyết về vai trò kích cầu nhà nước của nhà kinh tế học nổi tiếng Keynes. Thành quả của nền kinh tế kế hoạch chỉ huy này đã tạo đầy đủ cơ sở vật chất cho Hitler tiến hành chiến tranh thế giới. Điểm đặc biệt nguy hại của một nền kinh tế như vậy là ở chỗ nó luôn phải tự tạo ra các nhu cầu phi thị trường theo ý chí chủ quan của người lãnh đạo. Với nước Đức phátxít, đó là nhu cầu chuẩn bị và phục vụ chiến tranh.

Tiếp tục đọc

Thị trường hoá nguồn thu giáo dục: Tước quyền bình đẳng công dân!

Giáo dục (GD) vừa là cột trụ tạo dựng hệ giá trị xã hội, công cụ bảo vệ và phát triển, vừa là sự thể hiện bản sắc dân tộc. Quan trọng hơn cả, giáo dục chính là một trong những công cụ chủ yếu góp phần quyết định bảo đảm quyền bình đẳng của mỗi người trong việc tạo dựng, nắm bắt cơ hội phát triển cuộc sống cá nhân

 

 

Vì vậy, giáo dục không phải – không được phép – là một ngành kinh doanh trong ý nghĩa phải có thu của người mua “sản phẩm“ đủ bù chi của người bán. Việc bảo đảm hoạt động có hiệu quả của ngành giáo dục là nhiệm vụ hiến định của Nhà nước với công cụ là nguồn thuế thu từ người dân, từ các hoạt động kinh doanh. Tức là toàn xã hội đầu tư cho giáo dục thông qua việc nộp thuế.

Nếu ngân sách dành cho giáo dục chưa đủ, Quốc hội cần phân bố lại ngân sách, hoặc quyết định tăng thuế. Chấp thuận tăng học phí do chi phí đầu vào tăng hay do khả năng của người tiêu thụ “sản phẩm giáo dục“ tăng (lương cơ bản đã tăng từ 1998) cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận tiếp tục tăng học phí trong tương lai. Bởi việc tăng lương, tăng giá cả sinh hoạt là không thể tránh khỏi.

Việc “thị trường hoá“ nguồn thu cho ngành giáo dục trong thực tế đã biến công dân thành người tiêu dùng bình thường nhất và phân loại họ thành người có hay không có khả năng mua “sản phẩm giáo dục“. Điều này đã loại bỏ luôn trách nhiệm bảo đảm và bảo vệ quyền bình đẳng về cơ hội cho công dân của Nhà nước.

Ngoài ra, lập luận của các nhà quản lý giáo dục cũng không thuyết phục :

 

Tiếp tục đọc