VỤ VEDAN

 

Vedan cam kết tiếp tục bồi thường cho nông dân

SGTT.VN – Ngày 30.12, ông Yeh Sheau Yeh, giám đốc văn phòng tổng giám đốc công ty cổ phần hữu hạn Vedan Việt Nam tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai cho biết: Vedan sẽ trả tiền bồi thường đợt 2 cho nông dân tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và TP.HCM theo đúng như văn bản đã ký kết trước đó.

Vedan không có chủ trương ngưng trả tiền

Ngày 13.8, đại diện Vedan kí bản cam kết bồi thường hơn 45 tỉ đồng cho 839 nông dân huyện Cần Giờ (TP.HCM) bị thiệt hại bởi Vedan. Ảnh: Lê Quỳnh

Theo ông Yeh, Vedan đã chuẩn bị sẵn tiền để chuyển trả cho các tỉnh trước ngày 14.1.2011. Bởi việc ký kết với công ty Vedan bảo đảm buộc Vedan thực hiện đúng thỏa thuận chuyển toàn bộ số tiền bồi thường đợt 2 là 109 tỉ đồng đã được ngân hàng Bangkok (chi nhánh TP.HCM) ký kết chứng thư bảo lãnh thanh toán, do đó Vedan có muốn ngưng chuyển tiền cũng không được. Vì vậy ông Yeh khẳng định không có việc Vedan đòi ngưng chuyển tiền bồi thường đợt 2.

“Còn ý kiến nói Vedan muốn ngưng chuyển tiền thì đó là ý kiến cá nhân của luật sư, và luật sư phải đính chính thông tin này”, ông Yeh nói.

Cũng theo ông Yeh, việc ký cam kết với các tỉnh, thành do đích thân ông Yang Kun Hsiang ký chứ không phải luật sư ký kết nên luật sư công bố nhận định này mà chưa có ý kiến của tổng giám đốc là chủ quan. Mặt khác, việc ký kết thỏa thuận bồi thường chính là pháp lý hóa lời hứa của Vedan về việc chấp nhận bồi thường cho nông dân, vì thỏa thuận này có hiệu lực như một hợp đồng dân sự.

Trao đổi với báo Sài Gòn Tiếp Thị chiều ngày 30.12, ông Hoàng Như Vĩnh, luật sư đại diện pháp lý công ty Vedan cho biết: do hiện nay có 94 đơn kiện Vedan với mức bồi thường là 164 triệu đồng, nên với tư cách là luật sư của Vedan, ông đã tư vấn đề nghị Vedan tạm dừng việc chi trả tiền bồi thường đợt 2 tới nông dân bị thiệt hại của Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai và TP.HCM, cho đến khi giải quyết xong sự việc. Tuy nhiên, theo ông Vĩnh, đến nay, Vedan chưa xem xét và quyết định ý tư vấn này của ông.

“Việc đề nghị Vedan ngưng chuyển tiền mới là quan điểm riêng của cá nhân, chứ không phải ý kiến chính thức của ban tổng giám đốc”, ông Vĩnh nói.

Ngưng bồi thường là”chuốc họa vào thân”

Trao đổi với báo Sài Gòn Tiếp Thị, GS TS Nguyễn Vân Nam cho rằng việc luật sư đại diện pháp lý cho Vedan đề nghị công ty này ngưng chuyển tiền bồi thường đợt 2, với lý do vừa rồi có gần 200 hộ dân riêng lẻ kiện Vedan, có thể chỉ có ý cá nhân hoặc thăm dò dư luận. Bởi nếu Vedan thực sự ngưng thanh toán tiếp thì họ tự “chuốc họa vào thân”, “lợi bất cập hại”.

GS TS Nam phân tích: Thứ nhất, người dân nào không nằm trong danh sách ủy quyền cho các luật sư của hội nông dân ba tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, TP.HCM, Đồng Nai, tức là không thuộc diện cam kết, đều có quyền khởi kiện Vedan yêu cầu bồi thường thiệt hại. Vì vậy, Vedan không thể viện cớ do những người này khởi kiện để ngưng không chuyển nốt tiền bồi thường.

Thứ hai, việc hủy cam kết bồi thường đã ký giữa Vedan và các hội Nông dân sẽ gây bất lợi mọi mặt cho Vedan (kể cả khi Vedan muốn rút khỏi Việt Nam). Có không ít lý do để tòa án có thể tuyên các cam kết bồi thường này là vô hiệu. Ngoài ra, nếu Vedan đến hẹn mà không chuyển tiếp khoản tiền bồi thường còn lại, phía Việt Nam có thể tuyên bố rút khỏi các cam kết đã ký mà vẫn có quyền giữ lại khoản tiền Vedan đã thanh toán đợt đầu. Khi các cam kết bồi thường không còn hiệu lực, tất cả nông dân bị thiệt hại đều có quyền khởi kiện tại tòa án như trước.

Ngoài ra, Vedan không nên quên rằng trên đầu họ vẫn còn treo một “thanh kiếm” khác: quyền khởi kiện của nhà nước. Nếu Vedan nghe theo khuyến nghị của luật sư, thật sự ngưng không trả tiếp tiền bồi thường, thì người dân sẽ thấy rõ – một cách có hệ thống hơn – thái độ của họ coi thường thiệt hại do mình gây ra: từ việc ban đầu không chấp nhận bồi thường, đến chỉ bồi thường ở mức tối thiểu, rồi khi phải bồi thường thì tìm cách kéo dài thời hạn phải trả tiền. Với thái độ không thiện chí của mình, Vedan không chỉ khiến người tiêu dùng thêm ác cảm với họ, mà còn tạo một áp lực buộc nhà nước phải sử dụng quyền khởi kiện này để bảo vệ quyền lợi của xã hội.

Theo ông Nam, giả thuyết nếu ngày nào đó Vedan tuyên bố ngừng chuyển tiền đợt hai, chúng ta nên gửi thông báo yêu cầu họ thực hiện nghĩa vụ này trong thời hạn 7 ngày. Sau đó, nếu họ không làm, ta nên ngay lập tức khởi kiện trước tòa án yêu cầu họ thực hiện cam kết đã ký. Với việc khởi kiện, chúng ta có quyền tính lãi đối với số tiền Vedan chậm trả kể từ ngày chính thức khởi kiện.

Lê Quỳnh – Giang Sơn

http://sgtt.vn/Thoi-su/135381/Vedan-cam-ket-tiep-tuc-boi-thuong-cho-nong-dan.html

*******

Vận động dân rút đơn kiện Vedan

 

 

TT – Ngày 7-9, nông dân Nguyễn Lam Sơn – người đầu tiên ở Đồng Nai kiện Vedan – cho hay: “Cả bí thư, chủ tịch xã Phước An (huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) đến vận động tôi nên rút đơn kiện. Khi đó chủ tịch huyện cũng nói chuyện qua điện thoại với tôi suy nghĩ rút đơn kiện Vedan để những nông dân khác trong xã được nhận tiền”.

Anh Sơn nói cha của anh và những người có trách nhiệm ở địa phương vận động anh bàn với luật sư của mình phải rút đơn kiện nên “chắc tôi phải xin lỗi luật sư đã giúp đỡ tận tình cho mình thôi”.

Trao đổi với PV Tuổi Trẻ, TS Nguyễn Vân Nam – người trợ giúp pháp lý miễn phí cho nông dân Nguyễn Lam Sơn – nói: “Tôi là người được nhận ủy quyền nên đó là quyết định của anh Sơn. Tôi nghĩ khi kiện Vedan phải có trách nhiệm bồi thường nhưng chính quyền đã can thiệp với anh ấy thì không phải bàn nữa”.

Cùng ngày, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Ao Văn Thinh cho biết với những trường hợp không chịu rút đơn kiện Vedan, tỉnh sẽ tính toán điều kiện sản xuất thực tế và xem xét giải quyết khi bàn bạc với Vedan. “Có những việc chúng tôi phải đi năn nỉ dân vì người ta phân tích chưa khoa học” – ông Thinh nói.

HÀ MI

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/399371/Van-dong-dan-rut-don-kien-Vedan.html

**********

 

 

Ai sẽ đại diện cho quyền lợi của Việt Nam để khởi kiện Vedan?

Cao Tự Thanh

Sau khi Vedan bị phát hiện bí mật xây dựng hệ thống ống ngầm xả thẳng chất thải chưa xử lý ra sông trong suốt nhiều năm, dư luận đã nhiều lần lên tiếng về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của doanh nghiệp này, thậm chí một vài con số cụ thể từ 45 tới hơn 100 tỷ VND cũng đã được đưa ra. Thế nhưng diễn tiến vụ việc từ đó đến nay buộc người ta phải nghĩ rằng ở đây có những điều khuất tất dễ kết luận tuy khó chứng minh, chẳng hạn tháng 4. 2009 đột nhiên có một đám cá tôm nườm nượp quay về tái định cư trên sông Thị Vải cho một số ngư dân vui vẻ đánh bắt, thậm chí suýt nữa Vedan còn được yên ổn nhận bằng khen Top 100 sản phẩm an toàn vì lợi ích sức khỏe cộng đồng năm 2009 của Hội đồng xét thưởng thuộc Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm Bộ Y tế… Nhưng những màn kịch có lẽ không mấy rẻ tiền ấy lại không có bao nhiêu tác dụng, nên gần đây lại dấy lên một đợt vận động nếu có thể nói như thế về việc Hội Nông dân một số tỉnh thành có liên quan giúp đỡ những nông dân bị thiệt hại đứng ra kiện đòi Vedan bồi thường, tóm lại trách nhiệm của Nhà nước với tư cách là người quản lý xã hội, bảo vệ quyền lợi đất nước trong trường hợp này đã bị lãng quên một cách đáng buồn, còn hành động phạm pháp nói trên chỉ được coi là một vụ va chạm dân sự thuần túy giữa Vedan với những nông dân trực tiếp bị thiệt hại! Cho nên một bộ phận dư luận bị chệch hướng đã sa đà vào các chi tiết kỹ thuật như xác định mức độ ô nhiễm môi trường mà Vedan gây ra hay số tiền mà Vedan phải bồi thường cho những nông dân trực tiếp bị thiệt hại vân vân. Chưa nói tới sự phức tạp trong việc xác định các tỷ lệ và con số nói trên có thể khiến việc giải quyết vụ này kéo dài trong nhiều năm, thì cách đặt vấn đề như thế cũng đã sai ngay từ gốc.

Trước hết, để tạo lợi thế cạnh tranh về chi phí sản xuất, Vedan đã vi phạm pháp luật Việt Nam qua hành động gian dối nhằm tiết kiệm khoản chi phí xử lý chất thải mà họ có trách nhiệm phải đầu tư. Hành động này trái với Luật Cạnh tranh, nên để gọn chuyện thì Vedan phải nộp lại toàn bộ khoản tiền đã tiết kiệm được nhờ hành động gian dối ấy cho Việt Nam. Muốn xác định con số này cũng không có gì khó khăn, chỉ cần có được số lượng thành phẩm đã sản xuất ra trong bấy nhiêu năm gian dối thì bất cứ ai hiểu rõ công nghệ sản xuất mà Vedan sử dụng cũng có thể tính ra được. Đây cũng là hướng xử lý công bằng với người phạm pháp, vì Vedan vi phạm pháp luật để thu lợi, thì khoản lợi bất chính nhờ vi phạm pháp luật mà có ấy phải được truy thu.

Thứ hai, hành động phạm pháp của Vedan không chỉ gây ra ô nhiễm môi trường tự nhiên trên tuyến sông Đồng Nai – Thị Vải mà còn ảnh hưởng xấu tới môi trường kinh tế – xã hội mà nổi bật là môi trường đầu tư, môi trường cạnh tranh lành mạnh và luật pháp ở Việt Nam. Hành động này vi phạm Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh nên ngoài khoản lợi bất chính nhờ vi phạm pháp luật mà có nói trên, Vedan còn phải nộp một khoản tiền phạt khác, cụ thể bao nhiêu là do Tòa án có thẩm quyền quyết định, thậm chí có thể tham khảo pháp luật Đài Loan, tranh thủ ý kiến của các luật gia Đài Loan để đạt được sự ủng hộ cao của chính quyền và nhân dân trong đó có các doanh nhân Đài Loan.

Nhìn lại những bước lùi của Vedan trong vài tháng gần đây, cũng dễ nhận ra họ chỉ đang tìm cách đối phó nhằm xoa dịu dư luận chứ hoàn toàn không hề có một thái độ thành khẩn và thẳng thắn mà một doanh nghiệp cần có trong vụ này. Năm trước, họ đôi co về mức độ gây ô nhiễm. Khoảng thời gian Giáo sư Nguyễn Vân Nam và nhiều luật sư khác vào cuộc, họ đưa ra đủ cách tính toán về mật độ cá tôm này nọ để mặc cả, trước đó thì thậm chí còn tuyên bố sẵn sàng hầu kiện. Khi mặt hàng của Vedan bị tẩy chay, họ mới xuống nước chấp nhận, thậm chí còn tự ý nâng mức đền bù với điều kiện nông dân rút đơn kiện. Dĩ nhiên họ có quyền thỏa thuận với một số nông dân để mua những lá đơn kiện ấy, nhưng cho dù quyền lợi của một số nông dân được đền bù hợp lý, thì môi trường sinh thái trên đoạn sông Đồng Nai – Thị Vải vẫn đã bị ô nhiễm với nhiều tác hại dây chuyền chưa thể lường được hết ít nhất là trong hai ba mươi năm tới.  Những hậu quả ấy ai sẽ đền bù?

Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh ngày 5. 7. 2010 có đăng tải bài Nhà nước phải kiện Vedan của Giáo sư Nguyễn Vân Nam. Được biết Giáo sư còn sẵn sàng đứng ra bảo vệ quyền lợi không lấy thù lao cho một số nông dân Đồng Nai khởi kiện Vedan. Tôi xin bày tỏ ở đây lòng kính trọng đối với Giáo sư và nhiều luật sư khác, nhưng tôi rất tiếc vì các vị đã không được sử dụng học vấn và tâm huyết của mình vào một vụ kiện khác phù hợp hơn về pháp lý và đạo lý, tức một vụ kiện Vedan cố tình và nhẫn tâm vi phạm pháp luật Việt Nam.. Việc gây ô nhiễm môi trường của Vedan sẽ dẫn tới hậu quả nhiều mặt và lâu dài, những thiệt hại của một số nông dân chỉ là một số hậu quả trực tiếp trước mắt, không phải cứ đền bù cho họ là Vedan đã làm hết trách nhiệm khắc phục hậu quả. Nói thêm thì trong thâm tâm tôi vẫn nghĩ rằng ngoài những đền bù vật chất phù hợp với luật pháp như đã nêu ở trên, trong bản án dành cho Vedan của phiên tòa ấy còn phải có một điều khoản bắt buộc những người đại diện cao nhất của Vedan phải công khai xin lỗi nhân dân và chính phủ Việt Nam trên các phương tiện truyền thông mới xứng đáng với đẳng cấp đạo đức kinh doanh của họ.

Vụ Vedan là một vết nhơ đáng tiếc trong lịch sử đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam trong thời đổi mới, nhưng phải giải quyết một cách rốt ráo để ngăn chặn nhiều vụ Vedan khác trong tương lai. Nhưng vấn đề lại là ai sẽ đứng ra đại diện cho quyền lợi của Việt Nam để khởi kiện Vedan?

Ngày 2. 9. 2010

**********

Kiện Vedan để thức tỉnh lương tâm

Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010-08-30

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Nam Nguyên, luật sư Nguyễn Văn Nam, đại diện nông dân Nguyễn Lam Sơn ở Đồng Nai cho biết, thân chủ ông cương quyết kiện Vedan để gióng lên tiếng chuông cảnh báo về những vấn đề rộng lớn hơn.

Hồ sơ chưa từng công bố

Hiện nay Tòa án Huyện Long Thành đã thụ lý đơn kiện Vedan của nông dân Nguyễn Lam Sơn đòi bồi thường 502 triệu vì thiệt hại kinh tế do sông Thị Vải bị ô nhiễm, tòa án yêu cầu bên nguyên bổ sung chứng cứ. Từ Đồng Nai luật sư Nguyễn Văn Nam cho biết:

“Chúng tôi chứng minh thiệt hại thực tế chứ không tính theo cách tính thiệt hại của cơ quan công quyền hay của ai hết. Viện Tài nguyên môi trường hay chính quyền có cách tính của họ, chúng tôi có cách tính của chúng tôi. Khi bắt đầu quá trình tố tụng chúng tôi sẽ nói rất rõ. Khi khởi kiện chúng tôi phải chứng minh rằng Vedan là thủ phạm gây ra ô nhiễm.

Không những thế, chúng tôi sẽ chứng minh Vedan gây ô nhiễm ở mức độ trầm trọng ở những lĩnh vực còn nghiêm trọng hơn, chứ không chỉ gây ô nhiễm nguồn nước.

Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất chính là sức khỏe chứ không phải kinh tế, cái chúng tôi định công bố là sự ảnh hưởng nặng nề nghiêm trọng và lâu dài tới sức khỏe.

LS Nguyễn Văn Nam

Từ trước tới nay, ở Việt nam người ta chỉ điều tra và công bố là Vedan chỉ gây ô nghiễm nguồn nước sông Thị Vải thôi. Nhưng thực ra sự ô nhiễm đó chưa phải là ô nghiễm nghiêm trọng nhất. Trong quá trình tố tụng chúng tôi sẽ nêu ra đâu là cái ô nhiễm nghiêm trọng nhất mà Vedan gây ra.”

Nam Nguyên: Luật sư có thể tiết lộ điều này một cách vắn tắt?

LS Nguyễn Văn Nam: “Khi chúng tôi công bố chính thức luận cứ bảo vệ quyền lợi thân chủ thì trong đấy sẽ nói rất rõ. Lúc đấy chúng tôi mới công bố là Vedan đã làm cái gì. Có những điều hiện nay công luận chưa biết, cơ quan công quyền chưa biết, cơ quan điều tra về môi trường Việt Nam cũng chưa biết. Khi quá trình xét xử bắt đầu ra công khai thì chúng mới định công bố những sự kiện này.”

Nam Nguyên: Thưa, những điều đó ngoài quyền lợi kinh tế có liên quan tới vấn đề ảnh hưởng sức khỏe hay các tác hại khác về mặt y tế hay không?

LS Nguyễn Văn Nam: “Ảnh hưởng nghiêm trọng nhất chính là sức khỏe chứ không phải kinh tế, cái chúng tôi định công bố là sự ảnh hưởng nặng nề nghiêm trọng và lâu dài tới sức khỏe.”

Nam Nguyên: Thưa luật sư, ảnh hưởng y tế sức khỏe chắc là không chỉ riêng anh Lam Sơn mà là một con số rất lớn?

LS Nguyễn Văn Nam: “Chúng tôi chỉ muốn rằng qua một vụ kiện có thể nói cho công luận biết rõ tác động nghiệm trọng như thế nào, chứ không phải giống như nó chỉ giới hạn, giống như chúng ta được biết cho đến nay đâu. Tôi nghĩ như thế.”

Nam Nguyên: Chứng minh ảnh hưởng y tế sức khỏe đòi hỏi những nghiên cứu mất rất nhiều thời gian, thưa luật sư?

LS Nguyễn Văn Nam: “Chúng tôi đã có dự tính trước, tất cả những điều chúng tôi dự định nói và công bố thì cũng đã có những nhà khoa học người ta cho biết, có những nhà khoa học người ta trực tiếp đến tận nơi sản xuất của Vedan, người ta biết được những điều đấy.”

Nam Nguyên: Qua vụ kiện, luật sư và anh Lam Sơn chủ đích muốn thức tỉnh lương tâm và cảnh báo những vấn đề rộng lớn hơn. Luật sư có nghĩ là sẽ thắng kiện?

Qua vụ này ở Việt Nam, dần dần người dân thấy rằng là họ có thể phải tự sử dụng pháp luật để bảo vệ chính mình. Đó là điều chúng tôi rất muốn làm để cho người dân noi theo.

LS Nguyễn Văn Nam

LS Nguyễn Văn Nam: “Trước hết tôi nghĩ chắc chắn thắng kiện nhưng có nhiều khó khăn. Thứ hai chúng tôi đang kiện, và kiện thì có một thắng lợi nữa, tức là làm cho người dân ở Việt nam ý thức hơn nữa, họ có thể và cần tự mình sử dụng pháp luật để bảo vệ chính mình. Việc này trước đây ở Việt Nam có tâm lý ỷ lại nhà nước, người dân không làm điều đó. Có một chuyện gì bị thiệt hại, người dân đều chạy lại nhờ cơ quan nhà nước can thiệp dùm. Qua vụ này ở Việt Nam, dần dần người dân thấy rằng là họ có thể phải tự sử dụng pháp luật để bảo vệ chính mình. Đó là điều chúng tôi rất muốn làm để cho người dân noi theo.”

Nam Nguyên: Cảm ơn luật sư tiến sĩ Nguyễn Văn Nam đã dành thời gian trả lời đài chúng tôi.

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Unique-case-against-Vedan-to-prove-something-bigger-than-fishing-damage-NN-08302010084457.html

**********

Vedan bồi thường cho nông dân:  Phải thật sự là việc của dân, do dân và vì dân

 

SGTT.VN – Vedan chấp nhận bồi thường thiệt hại như mức TP.HCM, Bà Rịa – Vũng tàu và Đồng Nai yêu cầu là một tin mừng. Nhưng điều đáng mừng nhất là niềm tin của người dân.

Người bị thiệt hại trong vụ Vedan đã bước đầu tin rằng có thể sử dụng pháp luật để tự bảo vệ chính mình và họ không đơn độc. Niềm tin đó chắc chắn sẽ được củng cố hơn nữa thông qua qúa trình xét xử với một bản án thích đáng của tòa án.

Ngược lại, xử lý không thấu tình đạt lý việc ký kết thỏa thuận bồi thường thiệt hại (TTBTTH) ngoài con đường tòa án với Vedan và sau đó là quá trình chi trả khoản tiền bồi thường cho người bị thiệt hại, rất có thể sẽ làm mất đi niềm tin quí giá mà chúng ta vừa có được đó.

Người dân sẽ mất lòng tin vào khả năng tự bảo vệ mình bằng pháp luật, nếu họ không thấy đây là việc của mình, mình là chủ thể, là người có toàn quyền chủ động giải quyết chuyện bồi thường mà phải hoàn toàn phụ thuộc vào các cơ quan Nhà nước. Hãy để người dân tự quyết định việc bồi thường, như đây là công việc của họ.

Trước hết, họ phải là người có quyền quyết định ai sẽ là người thay mặt mình ký TTBTTH. Hội Nông dân không được pháp luật công nhận có tư cách pháp nhân, cũng không được tất cả người bị thiệt hại ký giấy ủy quyền, nên không thể đủ tư cách pháp lý ký kết TTBTTH. Chỉ Nhà nước, trong tư cách người đại diện quyền lợi chung của xã hội, của cộng đồng, mới có tư cách pháp lý ký kết TTBTTT với Vedan. UBND các tỉnh, thành phố là đại diện Nhà nước tại địa phương sẽ phải là người trực tiếp ký kết thỏa thuận này.

Vedan có thể muốn ký với hội Nông dân, để khi điều kiện cho phép, ban giám đốc mới hoặc một pháp nhân mới tiếp thu Vedan sẽ tuyên bố thỏa thuận vô hiệu vì đối tác ký thỏa thuận không có quyền đại diện người bị thiệt hại. Tuy nhiên, vì hội Nông dân không có quyền đại diện nên bất cứ người bị thiệt hại nào – dù đã nhận tiền từ TTBTTH- vẫn có quyền khởi kiện Vedan. Trong trường hợp này, ngay cả khi chính quyền không ủng hộ và Tòa án không nhận đơn kiện thì người bị thiệt hại vẫn có quyền khởi kiện Vedan tại nước nó đăng ký pháp nhân hoặc tại nước Vedan có trụ sở chính. Vedan sẽ phải rất chú ý đến yếu tố “của dân” này.

Các điều kiện cụ thể của TTBTTH, ai là người quản lý khoản tiền do Vedan chuyển, cách thức, tiêu chuẩn và mức độ chi trả tiền bồi thường, cần phải do chính người bị thiệt hại quyết định. Cách làm như của TP.HCM và Bà Rịa-Vũng Tàu giúp đỡ, hiệp thương với từng hộ gia đình người bị thiệt hại để thống nhất con số thiệt hại cụ thể là cách làm rất tốt, thể hiện được sự tôn trọng đây là việc do dân. Để đảm bảo quyền quyết định của người dân, cần công bố công khai, minh bạch ngay toàn bộ nội dung chi tiết của TTBTTH trước khi ký kết. Việc có rút đơn khởi kiện hay không cũng phải do chính những người nộp đơn quyết định. Không nên lại có một “phong trào rút đơn kiện” theo hướng dẫn của hội Nông dân hay chỉ đạo của cơ quan nào đó.

Vì dân phải là làm sao để người dân nhận được bồi thường thỏa đáng thiệt hại. Đây phải là mục tiêu quan trọng nhất của bất cứ một TTBTTH nào. Vì vậy, TTBTTH cần minh định rõ mục tiêu, ý nghĩa của khoản tiền bồi thường là để chi trả trực tiếp cho những người bị thiệt hại do Vedan làm ô nhiễm sông Thị Vải gây ra. Chừng nào người dân chưa được bồi thường thỏa đáng, chừng đó họ vẫn phải có quyền khởi kiện đòi bồi thường. Quyền khởi kiện ở đây vì vậy không thể chỉ là quyền khởi kiện do Vedan không thực hiện nghiêm túc TTBTTH.

Vedan muốn giữ lại 50% tiền bồi thường cho đến khi không còn đơn khởi kiện là hết sức phi lý, mà thực chất là muốn ép Việt Nam sử dụng các biện pháp hành chính ngăn không cho khởi kiện và rũ bỏ mọi trách nhiệm. Với 120 tỉ đồng, trung bình mỗi hộ dân bị thiệt hại ở Đồng Nai được bồi thường khoảng 20 triệu đồng – chưa bằng một vụ tôm của một hộ – cho hơn mười năm bị thiệt hại. Chỉ với 10 triệu đồng cho mỗi hộ, Vedan đã buộc họ không được khởi kiện đòi công lý. Sau tháng 1.2011, chỉ cần mỗi tháng có một người dân khởi kiện là Vedan yên tâm không phải trả nốt 50% còn lại rồi. Hãy vì dân mà ngăn không cho Vedan giăng ra bẫy này.

Vì vậy, cần ràng buộc Vedan phải chịu trách nhiệm cho tới khi người dân nhận được tiền bồi thường trong thực tế. Vedan không thể trốn tránh trách nhiệm này nếu họ luôn phải đối mặt với nguy cơ bị người dân khởi kiện tại tòa khi khoản tiền bồi thường từ TTBTTH không tương xứng với thiệt hại thực tế. Nói một cách khác, TTBTTH không nên có qui định loại trừ quyền khởi kiện tại tòa án của người nhận tiền bồi thường từ thỏa thuận này.

GS TS Nguyễn Vân Nam

http://sgtt.vn/Goc-nhin/127598/Phai-that-su-la-viec-cua-dan-do-dan-va-vi-dan.html

************

Vedan chịu bồi thường, rồi sao nữa?

 

TT – Cách đây hai năm, vào chiều 19-9-2008, sau khi ký vào biên bản vi phạm của hành vi gây tổn hại môi trường trên sông Thị Vải, tổng giám đốc Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN Yang Kun Hsiang đã cúi đầu trước giới truyền thông mà rằng: “Tôi thành thật xin lỗi nhân dân VN!”.

Từ lời xin lỗi ấy hai năm trước, cho tới chiều qua, khi Vedan đồng ý chính thức bồi thường cho TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, là cả một chặng đường rất dài để chứng minh về sự “biết lỗi” đến mức nào của Vedan.

Lẽ phải cuối cùng cũng đã chiến thắng, dù rằng Vedan vẫn chỉ mới hé một phần cánh cửa của sự công bằng khi vẫn lại bảo sẽ tiếp tục “thương lượng” với Đồng Nai, địa phương có những người nông dân bị thiệt hại nhiều nhất.

Đây không chỉ là một “cuộc chiến” thật sự giữa những người nông dân bị thiệt hại và một công ty gây ra thiệt hại mà chính là một thách thức pháp lý cho một vụ kiện chưa hề có trong tiền lệ của VN. Chọn lựa của chính quyền và người dân đã là một chọn lựa nhất quán và mạnh mẽ, đấu tranh cho đến tận cùng vụ việc. Mục đích của cuộc đấu tranh này không phải là để “chiến thắng” Công ty cổ phần hữu hạn Vedan VN mà chính là để đòi “lẽ phải” theo nghĩa thông thường của nó: kẻ có lỗi phải bồi thường.

Vấn đề quan trọng nhất trong lúc này đối với sự kiện Vedan là bước tiếp theo của nó. Nguyên tắc nhất quán nhất của vụ kiện này là người nông dân phải được nhận tiền đền bù thiệt hại do Vedan gây ra. Bước thỏa thuận đã đạt được với TP.HCM và Bà Rịa – Vũng Tàu, có nghĩa là kết quả đang đến gần. Nhưng vụ việc sẽ chỉ kết thúc đẹp khi người nông dân nhận được tiền bồi thường.

Ngoài hàng loạt vấn đề pháp lý đặt ra trong hợp đồng thỏa thuận bồi thường của Vedan và các địa phương thì vấn đề quan trọng nhất là làm sao để đồng tiền bồi thường đến được đúng và đủ tới tay người nông dân. Bởi vì thỏa thuận nhận tiền bồi thường cũng không tước được quyền tiếp tục khởi kiện nếu người nông dân chưa được nhận tiền đền bù hợp pháp.

Vì thế, không phải Vedan cứ trao một cục tiền cho địa phương và coi như phủi tay hoàn thành trách nhiệm. Mà để tránh bị kiện, chính Vedan phải thể hiện trách nhiệm bằng cách bàn thảo cặn kẽ để đưa đến một hợp đồng bồi thường với những tình tiết cụ thể nhất về quá trình chi trả tiền đến tay người nông dân. Trong đó phải có cả những điều khoản cụ thể về cách thức chi trả, về cách thức tính mức độ bồi thường…

“Và tất cả điều này phải được Vedan ghi thẳng vào hợp đồng thỏa thuận bồi thường để đảm bảo một cơ chế đồng tiền đến tay người nông dân một cách minh bạch, hợp lý nhất. Sự đồng thuận sẽ đến và ấy là lúc người nông dân có thể đồng thuận kết thúc vụ kiện Vedan, đó mới chính là kết cục đẹp nhất trong vụ này!” – tiến sĩ Nguyễn Vân Nam đã nhắn gửi như vậy khi nghe thông tin về bước ngoặt mới trong vụ kiện này tối qua…

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Thoi-su-suy-nghi/394601/Vedan-chiu-boi-thuong-roi-sao-nua.html

***********

Nông dân Đồng Nai đầu tiên nộp đơn kiện Vedan

 

 

Ngày 30/7, anh Nguyễn Lam Sơn (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai), người bị thiệt hại do nước thải chưa qua xử lý của Công ty Vedan xả ra sông Thị Vải gây ra, đã đến Tòa án nhân dân huyện Long Thành (địa phương nơi đóng chân nhà máy Vedan) để nộp đơn khởi kiện doanh nghiệp này.

Như vậy, anh Nguyễn Lam Sơn là nông dân đầu tiên của tỉnh Đồng Nai đã chính thức gửi đơn lên tòa án kiện Công ty Vedan đòi bồi thường.

Trong đơn khởi kiện Công ty Vedan, anh Sơn nêu rằng từ những năm 1996-1998 anh đã tham gia nuôi trồng và đánh bắt thủy sản trên sông Thị Vải với thu nhập bình quân từ 9-10 triệu đồng mỗi tháng.

Tuy nhiên, sau khi Công ty Vedan xả nước thải ngày càng nhiều hơn vào sông Thị Vải đã khiến nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng, thủy sản không sống nổi đồng nghĩa với việc anh đã mất nguồn thu nhập.

Theo tính toán, từ năm 1999 đến khi Công ty Vedan bị phát hiện xả trộm chất thải vào năm 2008, anh Sơn đã bị thiệt hại trên 650 triệu đồng. Anh nộp đơn lên tòa án, đề nghị Vedan bồi thường 77% số tiền thiệt hại trên cho anh, tương đương trên 500 triệu đồng.

Anh Nguyễn Lam Sơn được tiến sĩ, luật sư Nguyễn Vân Nam từ Thành phố Hồ Chí Minh nhận giúp đỡ miễn phí về pháp lý để làm các thủ tục kiện Vedan ra tòa.

Cùng ngày, Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai cũng đã cử một đoàn luật sư xuống ba ấp của xã Phước Thái, huyện Long Thành, giúp đỡ người dân làm các thủ tục cần thiết để nộp đơn khởi kiện Công ty Vedan ra tòa án huyện Long Thành.

Luật sư Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội luật gia Đồng Nai cho biết, trong ngày đầu luật sư xuống giúp dân, đã có khoảng trên 200 người đến nhờ luật sư hướng dẫn làm các thủ tục khởi kiện. Tuy nhiên, phần lớn người dân bị thiệt hại nơi đây trình độ hiểu biết còn hạn chế, một số khác không biết chữ, nên các luật sư đã phải làm việc cật lực để giúp đỡ người dân.

Để chạy đua với thời gian nộp đơn khởi kiện Vedan trước ngày thời hiệu hết, các đoàn luật sư đã sắp xếp thời gian làm việc vào các ngày nghỉ và Hội luật gia cũng đã cử một nhóm luật sư thường xuyên thường trực ở các địa bàn có người dân thiệt hại, giúp họ làm các thủ tục cần thiết để nộp đơn kiện./.

Sỹ Tuyên (TTXVN/Vietnam+)

http://www.vietnamplus.vn/Home/Nong-dan-Dong-Nai-dau-tien-nop-don-kien-Vedan/20107/54862.vnplus

**********

Chỉ nên thỏa thuận trong phiên tòa

Phải lưu ý rằng tất cả những thỏa thuận đạt được trước phiên tòa chỉ là những giao dịch dân sự thông thường, không có hiệu lực cưỡng chế thi hành. Giả sử Công ty Vedan ký thỏa thuận mà sau đó họ lại “cù cưa” không trả tiền hoặc trả nhỏ giọt… thì lại một lần nữa người dân phải kiện ra tòa. Đó là chưa kể đến những chi tiết pháp lý cụ thể trong hợp đồng thỏa thuận bồi thường sẽ như thế nào? Ai, tổ chức nào sẽ là người đủ tư cách pháp nhân đại diện để ký với Vedan?

Việc “thỏa thuận đền bù ngoài tòa án” hoàn toàn khác thỏa thuận đền bù trong khuôn khổ các thủ tục tố tụng. Khi nông dân khởi kiện, trong giai đoạn đầu bao giờ tòa án cũng sẽ có phiên hòa giải. Và lúc này, nếu Vedan thật sự có thiện ý, họ sẽ thỏa thuận để đền bù. Điều khôn ngoan nhất là khởi kiện và đạt được thỏa thuận đền bù trong giai đoạn hòa giải trước tòa. Bởi nó sẽ có hiệu lực cưỡng chế. Nếu Vedan không thực hiện sẽ bị tòa ra lệnh cưỡng chế!

GS.TS NGUYỄN VÂN NAM

trích từ http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/392788/Ngay-12-9-han-cuoi-khoi-kien-Vedan.html

**********

Vedan nâng giá bồi thường, dân vẫn cương quyết kiện

SGTT.VN – Cuối giờ chiều ngày 29.7, trao đổi với phóng viên báo Sài Gòn Tiếp Thị, những người có trách nhiệm của ba tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, TP.HCM và Đồng Nai đều cho biết chưa có quyết định gì về việc Vedan đề nghị nâng mức tiền hỗ trợ vào ngày hôm qua.

Ông Trần Văn Cường, phó giám đốc sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, hiện việc nộp đơn nông dân khởi kiện Vedan lên toà vẫn diễn ra bình thường, các luật sư được uỷ quyền cũng không thay đổi lịch trình làm việc. Theo ông Cường, việc Vedan đưa ra mức hỗ trợ 40 tỉ đồng cần hỏi lại ý kiến người dân, vì hiện người dân bị thiệt hại đã làm đơn kiện và đã nộp đơn ra toà nên đồng ý nhận hỗ trợ ở mức này hay không là quyền của người dân. Chính quyền không thể tự ý đồng ý hay không đồng ý được.

Tương tự, ông Ao Văn Thinh, phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cũng cho biết, tỉnh sẽ không có bất cứ “động tác” tác động nào với người dân ngoài việc sẽ thông báo việc Vedan tăng mức “hỗ trợ”. Việc chấp nhận mức hỗ trợ hay kiện Vedan là tuỳ vào nguyện vọng của người dân, bởi đây là vấn đề tranh chấp ngoài hợp đồng kinh tế. Còn người dân nào khởi kiện, các cơ quan chức năng phải hỗ trợ hết mình để đảm bảo thời hiệu khởi kiện. Về án phí, tỉnh vẫn giữ phương án ứng tiền từ quỹ Bảo vệ môi trường hỗ trợ dân khởi kiện. Ông Nguyễn Đức, chủ nhiệm đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai, cho biết thêm: sau khi triển khai kế hoạch giúp đỡ, hướng dẫn về thủ tục pháp lý với nông dân bị thiệt hại tại bốn xã thuộc hai huyện Long Thành, Nhơn Trạch kiện Vedan, các trưởng văn phòng đại diện, công ty luật đều thống nhất cử các luật sư xuống địa bàn giúp nông dân. Trước mắt, các luật sư sẽ hỗ trợ dân làm đơn khởi kiện theo đúng quy định của pháp luật và nộp cho toà án để đảm bảo thời hiệu khởi kiện. Việc thu thập chứng cứ sẽ được bổ sung ngay sau khi có văn bản trả lời của toà.

Tại TP.HCM, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho hay sau buổi làm việc với lãnh đạo huyện Cần Giờ và các cơ quan chức năng, nhóm luật sư tham gia nhận uỷ quyền và bảo vệ nông dân Cần Giờ bị thiệt hại trước toà thống nhất dành thêm một tuần để củng cố lại hồ sơ khởi kiện. Theo ông Hậu, những vụ án thế này rất dễ bị luật sư đối phương bắt bẻ lại thủ tục nên phải hết sức chặt chẽ về pháp lý nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho việc tranh tụng tại toà. “Chúng ta còn thời gian nên tôi khẳng định việc dời thời gian không gây ảnh hưởng gì đến thời hiệu khởi kiện và chất lượng tranh tụng sắp tới”, ông Hậu nói.

Được biết vào ngày 29.7, trong thời gian diễn ra buổi làm việc giữa bộ Tài nguyên và môi trường và các cơ quan chức năng địa phương có người dân bị thiệt hại bởi Vedan về nội dung khởi kiện Vedan, công ty này đã đột ngột gửi công văn đề nghị tăng mức tiền “hỗ trợ” với TP.HCM từ 16 tỉ đồng lên 30 tỉ đồng, Bà Rịa – Vũng Tàu từ 10 tỉ đồng lên 40 tỉ đồng và Đồng Nai từ 30 tỉ đồng lên 60 tỉ đồng.

Lê Quỳnh – Giang Sơn

Dù có hỗ trợ, người dân vẫn có thể kiện Vedan

Trao đổi với Sài Gòn Tiếp Thị, GS.TS Nguyễn Vân Nam cho rằng việc Vedan hết sức kiên trì trong thương lượng và việc họ đột ngột nâng mức hỗ trợ ở phút cuối cho thấy việc “hỗ trợ” có một ý nghĩa nhất định đối với Vedan.

“Nhưng thực sự, Vedan dùng từ “hỗ trợ” là họ thiệt!” Theo ông Nam, khi thoả thuận, có thể Vedan hy vọng “hỗ trợ” sẽ giúp họ loại trừ được toàn bộ các quyền và lợi ích hợp pháp của từng hộ nông dân, thậm chí của cả Nhà nước trong tư cách người đại diện chủ sở hữu tài nguyên môi trường. Nhưng về nguyên tắc pháp lý chung, đã gọi là “hỗ trợ” thì không thể buộc người dân đã nhận hỗ trợ không được quyền kiện đòi bồi thường thiệt hại, ngay cả khi thoả thuận hỗ trợ có điều khoản loại bỏ các quyền và lợi ích khác của người nhận hỗ trợ.

Lê Quỳnh

http://sgtt.vn/Thoi-su/126775/Vedan-nang-gia-boi-thuong-dan-van-cuong-quyet-kien.html

*******

Vedan trả giá 30 tỉ đồng với dân Đồng Nai

TT – Ngày 26-7, Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai xác nhận vừa nhận được thông báo của luật sư đại diện cho Vedan cho hay tổng giám đốc Vedan đã đồng ý và xin đề nghị nâng mức “hỗ trợ” nông dân Đồng Nai từ 15 tỉ lên 30 tỉ đồng.

[…]

Vedan sợ bị thiệt

Ông Nguyễn Văn Ngẫu, chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Thành, cho biết: “Dứt khoát nông dân không đồng ý 30 tỉ. Đây là lần thứ tư Vedan đưa ra mức hỗ trợ và kéo dài thời gian. Lần thứ ba họ đã đưa ra 15 tỉ để hỗ trợ cho bốn xã bị thiệt hại do ô nhiễm nhưng có một số hộ dân không hiểu cứ tưởng 15 tỉ là hỗ trợ cho một xã. Vì vậy sau khi họp các ngành lãnh đạo huyện Long Thành vừa đề nghị căn cứ theo văn bản của UBND tỉnh Đồng Nai phải đòi Vedan bồi thường cho nông dân gần 120 tỉ”.

Trả lời phóng viên Tuổi Trẻ vì sao phải nâng mức hỗ trợ lắt nhắt nhiều lần và bây giờ hứa hỗ trợ 30 tỉ đồng, luật sư Hoàng Như Vĩnh – đại diện pháp lý của Vedan – giải thích: “Bây giờ chúng tôi quá mệt mỏi nên muốn giải quyết vụ việc cho dứt điểm. Nếu kéo dài sẽ không có lợi cho tất cả và cũng sẽ thiệt hại cho Vedan. Mức 30 tỉ là con số chúng tôi đưa ra sau khi người dân ở vùng thiệt hại có ý kiến với Hội Nông dân Đồng Nai”.

Về việc sắp tới có nông dân không chịu hỗ trợ mà kiện Vedan, luật sư Vĩnh nói trở thành bị đơn là điều mà Vedan hoàn toàn không muốn. Nhưng dân kiện, Vedan trở thành bị đơn thì lúc ấy sẽ xem xét. Trong khi đó, một luật sư ở Đồng Nai nhận định “mức 30 tỉ đưa ra có thể là chiêu tiếp tục cù cưa của Vedan nhằm kéo dài cho hết thời hiệu khởi kiện”.

Coi chừng Nhà nước và nông dân không kiện được

Bàn câu chuyện Vedan nâng mức hỗ trợ lên 30 tỉ đồng cho nông dân Đồng Nai, TS Nguyễn Vân Nam – người giúp nông dân Nguyễn Lam Sơn (xã Phước An, huyện Nhơn Trạch) kiện Vedan ra tòa – cảnh báo: “Với thỏa thuận này có thể Vedan tìm cách loại bỏ toàn bộ quyền lợi pháp lý của các bên liên quan như Nhà nước và những người dân bị thiệt hại khiến Nhà nước và nông dân bị thiệt hại không kiện được là vô cùng nguy hiểm. Phải lường trước việc thỏa thuận mà Vedan trả tiền lắt nhắt thì cũng không làm gì được. Hơn thế ai sẽ đứng ra ký thỏa thuận hỗ trợ vì Hội Nông dân không được người bị thiệt hại ủy quyền”.

Theo TS Nam, cơ hội thỏa thuận của Vedan còn rất lớn vì sẽ có cơ hội thỏa thuận trong quá trình hòa giải trước tòa. Vấn đề ở đây là Nhà nước và người dân bị thiệt hại phải lưu ý về thời hiệu khởi kiện sắp hết”.

Hiện Sở Tài nguyên – môi trường Đồng Nai xác nhận “Vedan chính thức ký biên bản sai phạm do thanh tra Bộ Tài nguyên – môi trường lập vào ngày 19-9-2008”. Tuy nhiên, hiện nay cũng có hai quan điểm khác nhau về thời hiệu khởi kiện dựa vào ngày đại diện Vedan ký vào biên bản vi phạm thừa nhận sai phạm hay biên bản của Vedan thừa nhận mình gây thiệt hại và chấp nhận hỗ trợ 15 tỉ đồng trước đó.

TS Nam khẳng định phải lấy ngày mà thanh tra Bộ Tài nguyên – môi trường lập biên bản vi phạm hành chính để xác định thời hiệu khởi kiện. Vì với biên bản được lập đó người dân biết được rằng Vedan đã xâm phạm quyền lợi của họ. Như vậy ngày cuối cùng hết thời hiệu khởi kiện là 19-9-2010.

[…]

Thứ Ba, 27/07/2010, 07:36 (GMT+7)

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/392245/Vedan-tra-gia-30-ti-dong-voi-dan-Dong-Nai.html

*******

Thêm nhiều nông dân muốn kiện Vedan

TT – Sáng 19-7, ông Nguyễn Lam Sơn – nông dân đầu tiên ở Đồng Nai quyết tâm kiện Vedan ra tòa (Tuổi Trẻ ngày 13-7) – đã đến xã Phước An, huyện Nhơn Trạch đề nghị xác nhận thời gian nuôi tôm.

Tại đây, Hội Nông dân xã Phước An đã xác nhận ông Sơn là hội viên hội nông dân xã và xác nhận đúng như trong đơn là “có thời gian làm đập nuôi tôm gần 7ha ở sát sông Đồng Kho (lưu vực sông Thị Vải) từ năm 1996-2010 và việc nuôi tôm là nguồn thu nhập chính của gia đình”.

Sau đó, đơn xin xác nhận được chuyển cho lãnh đạo UBND xã ký và đóng dấu.

Chính quyền phải xác nhận chứng cứ

Theo hướng dẫn của tiến sĩ luật Nguyễn Vân Nam (người cho biết đứng ra hỗ trợ pháp lý cho nông dân Đồng Nai kiện Vedan), hiện ông đã vẽ tay sơ đồ thể hiện vị trí đập nuôi, diện tích và mô tả khoảng cách giữa đập nuôi tôm với vị trí của Nhà máy Vedan.

Từ đề nghị của tiến sĩ Nam, ông Sơn cũng đang liệt kê chi tiết về chi phí con giống, nhân công và khoản thu nhập hằng năm làm bằng chứng trước khi nộp đơn kiện Vedan vào tuần sau.

Trước đó, trả lời phóng viên Tuổi Trẻ, tiến sĩ Nam cho hay ở góc độ quy định của luật pháp hiện thời, người nông dân sẽ không phải đưa ra mọi chứng cứ bằng giấy tờ như giấy phép kinh doanh, hóa đơn chứng từ của việc mua con giống, thức ăn, bán hàng, đóng thuế…để chứng minh thiệt hại, bởi họ là những người làm ăn sinh sống bằng nghề nông chứ không phải nghề kinh doanh mua bán (khác với biên bản ký ngày 31-5-2010 giữa luật sư đại diện Vedan và Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu nông dân phải có đầy đủ chứng từ hóa đơn theo quy định pháp luật – PV).

Tiến sĩ Nam cho rằng họ nuôi trồng, đánh bắt thủy sản và mua bán trao đổi ngoài chợ nhằm phục vụ cuộc sống cơ bản hằng ngày nên không cần giấy phép kinh doanh.

http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/391050/Them-nhieu-nong-dan-muon-kien-Vedan.html

*********

Nhiều luật sư giúp nông dân Đồng Nai kiện Vedan

19/07/2010 1:35

Hôm qua, luật sư (LS) Nguyễn Văn Đức (Đoàn LS Bình Phước) cho biết đang cùng một số LS khác tiếp xúc với nông dân Đồng Nai để tư vấn, giúp đỡ thủ tục khởi kiện Vedan ra tòa.

Hiện có khoảng 10 nông dân đang chuẩn bị đơn kiện để nộp cho tòa. Còn nông dân Nguyễn Lam Sơn (xã Phước An, H.Nhơn Trạch – người đầu tiên kiên quyết kiện Vedan) cũng đã tiếp xúc với LS Nguyễn Vân Nam để nhờ giúp đỡ làm thủ tục khởi kiện Vedan. LS Nam cho biết sẵn sàng giúp đỡ pháp lý hoàn toàn miễn phí cho nông dân khởi kiện Vedan ra tòa, kể cả việc đưa Vedan ra tòa án ở Đài Loan.

Sau khi báo chí đề cập đến việc Hội Nông dân tỉnh Đồng Nai nêu những khó khăn khi khởi kiện Vedan (không có chứng cứ, án phí và người đại diện), nhiều LS đã tìm đến nông dân Đồng Nai để tư vấn pháp lý khởi kiện Vedan. T.Ư Hội Nông dân VN cũng đề nghị Trung tâm Tư vấn trợ giúp pháp luật giúp đỡ nông dân Đồng Nai tranh tụng tại tòa trong trường hợp kiện Vedan.

Hoàng Tuấn

http://www.thanhnien.com.vn/News/Pages/201030/20100719013514.aspx

Một bình luận

  1. Thưa chú, cháu đang định viết một bài báo cáo về vụ Vedan (khoảng 5 trang, làm theo cấu trúc FIRAC – Fact, Issue, Rule, Application và Conclusion) cho môn Business Law (giáo trình Mỹ) cháu đang học (cháu ko học chuyên ngành luật ạ), cháu đã tìm qua các bài viết nhưng có nhiều bài báo quá cháu vẫn chưa có cái nhìn tổng quát, rõ về cơ sở pháp lý cũng như những kêt luận cuối cùng về vụ kiện này, nếu chú có hồ sơ về vụ kiện này chú gởi cho cháu xin để tham khảo được không ạ? Email của cháu là i95st105@keuka.edu. Cháu xin cảm ơn.

Bình luận về bài viết này