CHỦ NGHĨA QUAN HỆ VÀ SỰ TỒN VONG CỦA CHẾ ĐỘ

TS Nguyễn Vân Nam

Giới nghiên cứu đang ra sức phân tích nguyên nhân sự phẫn nộ-khá bất ngờ- của người dân đã trở thành cuồng phong cuốn phăng chế độ toàn trị ở Tunisia, Ai cập và có thể cả Libya.

Suharto tại Indonesia, Marcos của Philippines ở Châu Á trước kia và hiện nay ở Trung đông là Ben Ali của Tunisia, Mubarak của Ai cập, Gadafi của Libya đều là những anh hùng dân tộc khi lên nắm quyền và là kẻ độc tài tỷ phú lúc bị lật đổ. Con đường „biến vốn chính trị ban đầu thành vốn tài chính cá nhân“ ( lời GS kinh tế Samer Soliman) của họ cũng không khác nhau: nắm quyền, chủ nghĩa gia đình trị, xã hội hóa chủ nghĩa gia đình trị biến nó thành kinh doanh quan hệ, rồi vơ vét, tham nhũng. Đây cũng chính là nguyên nhân nội tại sâu xa quan trọng nhất dẫn đến sự sụp đổ bất ngờ của chế độ.

Chủ nghĩa gia đình trị (Nepotism) bảo đảm những đặc ân cho bà con, người trong gia đình của người giữ quyền lực. Nepotism được biết đến từ thời cổ đại. Đặc biệt là Nepotism trong giáo hội từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 17. Giáo hoàng Bonifatius VIII từ năm 1297-và những người kế nhiệm- đã thành công trong việc duy trì Nepotism trong suốt hơn 300 năm.

Điển hình nổi tiếng của Nepotism thời nay là tổng thống Mỹ John F. Kennedy: Ông bổ nhiệm em trai mình là Robert Kennedy làm bộ trưởng tư pháp. Một việc làm chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ. Sau khi J.F. Kennedy mất, Mỹ đã ra luật cấm Nepotism.

Đặc trưng của Nepotism là vị trí thân thiết của các cá nhân liên quan và được hình thành không phải trên cơ sở trao đổi có qua có lại. Chính điều này phân biệt nó với các quan hệ khác; đặc biệt là với tham nhũng-một loại quan hệ trao đổi có qua có lại cụ thể và thường chỉ cho từng trường hợp riêng biệt. Nepotism tạo môi trường thuận lợi cho tham nhũng, gây ra những hậu quả giống tham nhũng. Nhưng trong môi trường một chế độ toàn trị, Nepotism phát triển biến tướng dẫn đến nhiều hiểm họa khôn lường hơn.

Nepotism hiện đại được hiểu rộng hơn chủ nghĩa gia đình trị cổ điển khi đối tượng của nó không còn gói gọn trong phạm vi gia đình, họ hàng. Nó phát triển biến tướng trở thành một kiểu chủ nghĩa quan hệ (CNQH) với đặc trưng vẫn là một loại quan hệ không hình thành do nhu cầu trao đổi có qua có lại cụ thể, mà là nhu cầu/hy vọng sẽ được lợi. Khi một vị trí quyền lực (kinh tế,công quyền) bị lợi dụng để tạo điều kiện thuận lợi-một cách bất hợp pháp-cho cá nhân hoặc một nhóm lợi ích có quan hệ gần gũi (bà con họ hàng, bạn bè đồng hương, đồng hội, cùng tổ chức, cùng quan điểm chính trị, cùng tính ngưỡng v…v) với người giữ quyền lực  của vị trí đó, đặc biệt khi vị trí công quyền bị lợi dụng để đề ra những qui định tạo thuận lợi cho người thân quen trở thành nhân viên công quyền, thì đó là những trường hợp dễ thấy nhất của CNQH hiện đại.

Tiếp tục đọc

CHỐNG THAM NHŨNG, ĐƯỢC KHÔNG?

GS TS Nguyễn Vân Nam

Có thể, nếu…


1. Việt nam có tham nhũng không?

1.1. Chuyện quốc tế.

Tham nhũng ư? Chuyện xưa như trái đất. Ở đâu có quyền lực ở đó có thể có tham nhũng, nước nào mà chẳng có tham nhũng. Rất nhiều người sẽ nói như vậy. Cách hiểu về tham nhũng (thậm chí là bản chất tham nhũng), qui mô, „chất lượng“ và hậu quả của tham nhũng cũng rất khác nhau tùy mỗi nước. Đúng thôi.

Nhưng ngày nay, qúa trình Toàn cầu hóa đã khiến tham nhũng không còn là chuyện nội bộ của mỗi quốc gia nữa. Cộng đồng quốc tế phải đặc biệt quan tâm đến việc cùng nhau tìm ra cách thức chung để giải quyết nạn tham nhũng, cũng có nghĩa là cần tìm ra những đặc trưng có giá trị phổ quát của tham nhũng.

Các nước phát triển- nơi có môi trường cạnh tranh tự do, lành mạnh- phải quan tâm xử lý cạnh tranh không lành mạnh giữa chính các công ty của mình ở thị trường nước ngoài, nơi họ có thể dễ dàng hối lộ để nhận được hợp đồng. Trong vai trò nước cung cấp viện trợ phát triển và các khoản vốn đầu tư quan trọng nhất cho phát triển, các nước này ngày càng phải quan tâm đến việc sử dụng tiền của nước nhận viện trợ. Quản trị công tồi tệ gây thất thoát, sử dụng không hiệu quả số tiền này có thể gây hậu quả dây chuyền rất nghiêm trọng đến cộng đồng quốc tế (như trường hợp khủng hoảng của Hy lạp vừa qua). Cấp viện trợ, tín dụng một cách dễ dãi không cần quan tâm đến hiệu quả sử dụng cũng sẽ khiến người đóng thuế tại nước cấp viện bất bình và có thể dẫn đến giảm mạnh độ tín nhiệm vào chính phủ.

Theo Tổ chức minh bạch quốc tế TI (Transparency International) tham nhũng là sự lạm dụng quyền lực được tin cậy giao phó cho lợi ích cá nhân. „Corruption is operationally defined as the misuse of entrusted power for private gain“. Dưới góc độ pháp lý rộng hơn, luật pháp của nhiều nước Châu Âu định nghĩa tham nhũng gồm 02 yếu tố cấu thành: a) Hành vi lạm dụng vị trí quyền lực, không tôn trọng các chuẩn mực đạo đức, chuẩn mực hành vi, trách nhiệm công chức và luật pháp; và b) Cho lợi ích cá nhân. Những định nghĩa như vậy chủ yếu hướng vào sự lạm dụng quyền lực công (quyền lực của Nhà nước, cơ quan công quyền).

Tuy nhiên, lạm dụng quyền lực được tin cậy giao phó không chỉ trầm trọng ở cơ quan công quyền, mà còn ngày càng phát triển trong giao dịch kinh tế, dân sự, chính trị quốc tế. Vì vậy, Hội đồng Châu Âu cùng Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển đã đưa ra một định nghĩa rộng hơn về tham nhũng. Theo đó, tham nhũng gồm các yếu tố cấu thành sau: a) Hành vi của những người được tin cậy giao phó nhiệm vụ công hoặc tư; b) Không tôn trọng trách nhiệm và nghĩa vụ của mình; c) Nhằm đạt được các lợi ích không chính đáng. Định nghĩa này bao trùm các lĩnh vực công, tư, bán công, chuẩn mực đạo lý của xã hội dân sự, thực tiễn lợi dụng vị trí được tin cậy trong giao dịch dân sự, cũng như tham nhũng chính trị.

Điểm đặc biệt là ở đây, người ta không nhắc đến quyền lực mà chỉ nói đến nhiệm vụ được tin cậy giao phó. Điều này phù hợp với quan điểm chung thống nhất hiện nay về nguyên tắc phân chia quyền lực trên cơ sở quan hệ giữa nhiệm vụ và quyền hạn trong một Nhà nước pháp quyền. Theo đó, quyền lực được trao là để hoàn thành một nhiệm vụ xác định. (Nghĩa là phải xác định nhiệm vụ cụ thể trước khi trao quyền). Việc nhấn mạnh „ được tin cậy giao phó“ cho thấy nguyên nhân sâu xa của tham nhũng nằm ở lòng tin, ở giá trị của sự được tin cậy và cùng với nó là sự cần thiết phải xây dựng Nhà nước pháp quyền, xây dựng xã hội dân sự. Ngoài ra, việc không còn giới hạn mục tiêu tham nhũng trong phạm vi „vì mục đích cá nhân“, mà mở rộng thành „ đạt được những lợi ích không chính đáng“ cũng giúp pháp luật dễ dàng thâu tóm được hầu hết các hình thức tham nhũng rất tinh vi hiện đại.

Tham nhũng là một hiện tượng đặc trưng và nổi tiếng của các nước đang phát triển (ĐPT), đặc biệt là các nước nghèo. Nhưng không phải vì thế mà người ta nhanh chóng nhất trí về nguyên nhân gây tham nhũng. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, khi tham nhũng còn được xem là chuyện nội bộ của các nước ĐPT, thì  quản trị công tồi = chính phủ yếu kém (Bad Governance) vẫn được coi là nguyên nhân cơ bản gây tham nhũng. Vì vậy, để chống tham nhũng, các nước cấp viện yêu cầu các nước ĐPT xây dựng một chính phủ quản trị tốt theo tiêu chí của EU như sau:

–          Trách nhiệm của chính phủ thể hiện qua sự minh bạch và kiểm soát được của các trình tự ra quyết định.

–          Sự chính danh của chính phủ qua bầu cử.

–          Nhà nước pháp quyền.

–          Trách nhiệm vì quyền lợi cộng đồng của các định chế công.

–          Tôn trọng quyền con người.

–          Bảo đảm tự do ngôn luận, báo chí.

–          Tạo điều kiện cho các tổ chức xã hội tham gia vào quá trình cân bằng-kiểm soát quyền lực công.

Không khó khăn gì để thấy ngay rằng những yêu cầu này là phi thực tế, không thể thực hiện nổi ở các nước ĐPT, mà đặc biệt là ở các nước kém phát triển mới bước đầu xây dựng Nhà nước pháp quyền. Do những đòi hỏi này là quá cao, không phù hợp khả năng và hoàn cảnh thực tế của mình, các nước ĐPT cũng không tin vào các biện pháp chống tham nhũng được các nước cấp viện đề nghị.

Sau đó, trước tình hình tham nhũng ở các nước ĐPT càng trầm trọng, dưới sức ép Tòan cầu hóa, các tổ chức quốc tế, các nước phát triển đã phải phối hợp nghiên cứu chống tham nhũng một cách thực tế hơn, bài bản hơn. Ngày nay, ngân hàng thế giới WB, Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển OECD, Liên minh Châu Âu, nhận định nguyên nhân gây ra tham nhũng chủ yếu là do: a) Nghèo đói; b) Quản trị công kém; c) Tác động của các công ty nước ngoài.

Tiêu chí để xây dựng một chính phủ có khả năng quản trị tốt cũng thay đổi uyển chuyển hơn. Đó là: a) Một chính phủ có ý thức trách nhiệm cao; b) Tôn trọng các nguyên tắc dân chủ; c) Xây dựng được các điều kiện khung thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội là điều kiện cơ bản để chống đói nghèo, chống tham nhũng.

1.2. Chuyện ta.

Tiếp tục đọc

Nhân danh công lý

GS-TS Nguyễn Vân Nam

Trước mặt thẩm phán, giám đốc của nguyên đơn (cty ĐD) thẳng thắn thừa nhận “Chúng tôi làm thế là không đàng hòang thật“. Nhưng khi thua tại phiên sơ thẩm vì làm cái sự không đàng hòang ấy, nguyên đơn vẫn kháng cáo và thẳng thừng “Tôi sẽ thắng“. Trước khi diễn ra phiên phúc thẩm tại TAND tp.HCM, bị đơn được một người trong Tòa án cho biết “Anh chắc chắn bị thua rồi“. Quả vậy – với nội dung tranh chấp đơn giản, rõ ràng, mà theo đó hiển nhiên bị đơn không thể thua- nguyên đơn lại thắng với bản án sửa lại hòan tòan án sơ thẩm. Làm việc kiểu ấy, làm sao dân tin ở Tòa án, cần Tòa án? Và khi buộc phải hầu Tòa, người ta sẵn sàng “thí“ sơ thẩm để tập trung tòan lực “chạy“ phúc thẩm. Ở đây, không liên quan gì đến Công lý, mà thực chất chỉ là giải quyết chuyện ai thắng ai với phần thắng luôn luôn thuộc về bên có tiền nhiều hơn, biết chạy đúng cửa hơn.

Một xã hội thiếu niềm tin vào Công lý cũng sẽ không xây dựng nổi Nhà nước pháp quyền (NNPQ). Người dân cảm nhận, “sờ thấy“ được Công lý- một cách trưc tiếp nhất- qua họat động của Tòa án. Vì thế, cải cách ngành Tòa án là then chốt và phải được ưu tiên để cải cách tư pháp, cải cách hành chính và xây dựng NNPQ . Nhưng, chúng ta không được phép xây dựng nó theo những tiêu chuẩn chủ quan – vẫn thường được gọi một cách mỹ miều là mang đặc trưng Việt nam- mà phải theo tiêu chuẩn tối thiểu của WTO. Không phải ngẫu nhiên mà WTO có qui định cụ thể- một cách đặc biệt khác thường nếu so với những qui định chung khác của WTO- về trách nhiệm đảm bảo tính công minh, bình đang cho họat động của Tòa án (Điều 41 TRIPS). Điều 42 TRIPS (TRIPS: Hiệp định về khía cạnh thương mại cua quyền SHTT) qui định điều kiện tối thiểu để bảo đảm tính công minh, bình đẳng của qúa trình xét xử dân sự là: a) Bị đơn phải được thông báo kịp thời bằng văn bản về đơn kiện; b) Thông báo này phải nêu lý do bị kiện kèm theo hồ sơ chứa tòan bộ các thông tin, bằng chứng, chi tiết cần thiết khác phục vụ việc bảo vệ quyền lợi của bị đơn; c) Bảo đảm quyền của các bên tiếp cận, trình bày bằng chứng, lý giải và lập luận bảo vệ ;  v…v. Điều 41 qui định các phán quyết của Tòa án phải khách quan, dựa trên bằng chứng và phải nêu rõ lý do.

Tiếp tục đọc

Dẫn nhập về Nhà nước pháp quyền và vấn đề thực thi luật

GS TS Nguyễn Vân Nam

I. Dẫn nhập

1. Nhà nước và Quyền lực tối cao

Giả sử rằng, chúng ta đang trên con tàu du lịch biển đông. Chợt một đợt sóng thần ập đến cuốn phăng tất cả đến một hoang đảo xa lạ, đầy thú dữ, nguy hiểm. Chúng ta ngay lập tức đều hiểu rằng mỗi người không thể sống sót nếu sống đơn độc. Chính là nhu cầu tự bảo vệ khiến mỗi người ý thức được phải đoàn kết với những người khác thành một cộng đồng của tất cả. Chúng ta cũng hiểu ngay rằng phải tổ chức cộng đồng của mình dưới  một hình thức nào đó sao cho nó trước hết phải có khả năng bảo vệ mỗi người một cách tốt nhất- nếu không ta chẳng cần cái cộng đồng ấy làm gì- và sau đó là phát triển sức mạnh chung của cộng đồng. Muốn vậy, cộng đồng này phải được trang bị một quyền lực quyết định trong mọi lĩnh vực và buộc mỗi các nhân phải tuân theo: quyền lực tối cao. Như thế, chúng ta đã có một hình thái cộng đồng có quyền lực tối cao đối với tất cả thành viên và có hiệu lực trên phạm vi hoang đảo. Một hình thái tổ chức xã hội như vậy chúng ta đã quen biết, đó chính là Nhà nước.

2. Hiến pháp và giới hạn quyền lực tối cao.

Là những trí thức bị dạt vào hoang đảo, chúng ta đều có thể hiểu rằng điều nguy hiểm nhất đối với mỗi người là khi quyền lực Nhà nước tối cao bị lạm dụng. Tiếp tục đọc

Tòa bảo hiến ở Việt Nam

GS TS Nguyễn Vân Nam

Có thể so sánh-một cách giản dị nhất- Hiến pháp (HP) với qui định (luật chơi) không thể thiếu của bất cứ cuộc chơi nào ( bóng đá, cờ tướng, …). Thừa nhận và tuân thủ qui định là điều kiện để được tham gia cuộc chơi. Trong khuôn khổ chuẩn mực này, ai cũng có quyền phát triển chiến thuật , chiến lược nhằm đạt mục tiêu riêng. Danh sách người cùng chơi trong „cuộc chơi“ „mưu cầu hạnh phúc cá nhân trong xã hội tự do, công bằng “, mà chuẩn mực cuộc chơi hợp thành HP, rất dài: cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, hiệp hội, công đoàn, đảng phái, chính phủ, v…v. Tuy nhiên, Nhà nước (NN) không có trong danh sách này, vì NN không phải người cùng chơi mà chính là cuộc chơi. NN không phải người bảo vệ hệ thống các chuẩn mực căn bản của HP mà nó chính là cái được HP điều chỉnh, giống như qui định của cuộc chơi xác định cuộc chơi vậy.

Trong NN của dân, do dân và vì dân, HP chính là hệ thống các chuẩn mực cơ bản cho một trật tự xã hội xác định mà toàn dân mong muốn và chuẩn y. Đó là các chuẩn mực cho quan hệ giữa con người với nhau; giữa họ với cơ quan công quyền; giữa cá nhân với các chủ thể khác và chuẩn mực cho phép khi nào có thể buộc họ phải làm gì. Trong “cuộc chơi” Nhà nước pháp quyền (NNPQ), các điều luật bảo đảm cho chúng ta tính hợp pháp của mọi hành vi quản lý NN và HP bảo đảm cho chúng ta tính hợp hiến của các điều luật. Nghĩa là bảo đảm “cuộc chơi Nhà nước” đúng là cuộc chơi mà toàn dân đã lựa chọn.

Xét cho cùng, bất cứ điều luật nào cũng xuất phát từ triết lý sống, triết lý về luật pháp. Nhưng điều này trong HP thể hiện trực tiếp nhất, rõ ràng nhất. Và bởi toàn bộ triết lý luật pháp trong từng điều luật đều xuất phát từ triết lý sống chung được toàn dân chấp nhận, nên HP chính là nơi tập trung đầy đủ nhất, trừu tượng đến mức có thể nhất, những chuẩn mực trên cơ sở triết lý chung đó. Tiếp tục đọc

Việt nam và những đạo diễn Việt kiều

Nguyễn Vân Nam

Với sự cảnh giác thường trực khi đọc quảng cáo xen lẫn niềm hy vọng mơ hồ, tôi lại vẫn đi xem phim Việt nam. Lần này là “Dòng máu anh hùng“ (The Rebel). Thế mà tôi đã xem nó tới 04 lần, trong các buổi chiếu khác nhau, vào tối thứ 7 và cả vào ngày thường. Cảm xúc đầu tiên là “đã“, hy vọng, và vui. “Dòng máu anh hùng“ (DMAH) đã khắc phục được rất nhiều nhược điểm cơ bản của phim Việt nam, đặc biệt là của đạo diễn Việt kiều.

Anh thích xem phim nước nào nhất? Hàn quốc, Th. một cử nhân văn chương đang lái xe taxi của Vinasun, không ngần ngại trả lời tôi. Vì sao? Vì nó thực với cuộc sống. Trước kia anh có sống ở Hàn quốc à? Đâu có. Vậy tại sao anh biết nó thực với cuộc sống ở Hàn quốc? Im lặng. Mãi tới khi tôi sắp xuống xe, Th. mới nói: tôi cảm thấy thế. Ban giám khảo các Liên hoan phim quốc tế cũng cảm nhận như anh Th. về hiện thực cuộc sống trong điện ảnh. Hiện thực trong nghệ thuật thứ bẩy chắc chắn không phải là cái hiện thực mà nó phải phản ánh trung thực từ cuộc sống, mà phải là hiện thực dưới cái nhìn của tác giả kịch bản, của đạo diễn. Nếu không, tự nó sẽ là một vòng “kim cô“ cản trở sức sáng tạo vốn là động lực và sự hấp dẫn của nghệ thuật thứ bẩy. Tuy nhiên, cái hiện thực được sáng tạo ấy phải tuân theo một thứ logic căn bản chung sao cho nó không trở thành quá xa lạ với con người. Liệu có đúng ông Phán (Áo lụa Hà Đông) được bảo vệ bởi lính khố xanh, hay khố đỏ trong hoàn cảnh lịch sử thực tế lúc đó hay không, không phải một lỗi, mà chính việc đạo diễn để một bà mẹ 4 con vẫn còn nguyên bầu ngực tròn đầy của người con gái mới là một lỗi không thể bỏ qua. Và lỗi ấy, bất cứ ai-người Việt nam, hay người nước ngoài- cũng dễ dàng nhận thấy. Tiếp tục đọc

Quê tôi

Nguyễn Vân Nam

Ngược hẳn tại nơi đất khách quê người, không hiểu sao, mỗi lần về quê hương, cứ đặt chân bước vào sân bay Tân Sơn Nhất là tôi lại có cảm giác bất an. Khởi đầu từ sân bay, cái cảm giác ấy-lúc nhiều lúc ít, lúc mạnh lúc nhẹ-theo tôi trong suốt thời gian ở trên quê hương mình.

Bước chân ra đường, không thể không lo ngại có ai đó sẽ đâm vào mình. Bởi lượng người tham gia giao thông dầy đặc lại chỉ được điều khiển bằng những qui định giao thông theo một số nguyên tắc cơ bản lỗi thời, bất tiện và ngược hẳn với quốc tế. Giản dị vậy nhưng sao không ai nhận ra, ai là người chịu trách nhiệm, ai là người phải thẩm tra và ai là người có trách nhiệm cuối cùng? Cơ chế nào, qui định nào giúp người ta quản lý và phát hiện các sai sót trong những qui định đang có hiệu lực đây?

Chưa bị xe đụng, nhưng tôi tận mắt thấy đụng xe. Những người đụng nhau sẽ bình tĩnh trao đổi xem lỗi nơi ai trong khi đợi công an đến lập biên bản ư? Không đâu. Họ lập tức xông vào đánh nhau. Đọc báo, tôi còn biết chỉ vì bị đụng xe, người ta có thể rút dao đâm chết đối phương ngay. Điều gì làm cho họ dễ bị kích động như vậy? Nguyên nhân nào làm cho người dân không còn lòng khoan dung, sự bình tĩnh cần thiết khi phải giải quyết mâu thuẫn thường ngày như thế? Lòng khoan dung, mức độ sẵn sàng chấp nhận sự khác biệt xã hội (giàu- nghèo, cao-thấp, may mắn-bất hạnh,…) có một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc bảo đảm an ninh, ổn định, tạo nên môi trường thanh bình cho xã hội,  là động lực cho mỗi cá nhân vươn lên. Tiếp tục đọc

Nghị định hướng dẫn quan trọng hơn luật?

Hiện nay, các đạo luật của ta đều phải chờ nghị định, thông tư hướng dẫn của chính phủ hoặc các bộ mới có thể được áp dụng trong thực tế.

Trước hết, việc một đạo luật do cơ quan lập pháp ban hành phải chờ quyết định của hành pháp (Chính phủ) mới có giá trị thực hiện là một hạn chế nghiêm trọng quyền lực của lập pháp, đồng thời mở ra các khả năng lạm dụng quyền lực hành pháp qua việc cơ quan này có thể kéo dài hoặc rút ngắn một cách có chủ đích hiệu lực trên thực tế của điều luật.

Thứ hai, các nghị định, thông tư hướng dẫn của chính phủ không chỉ là những hướng dẫn thi hành, mà còn là những qui định mang tính chất chuẩn mực pháp lý. Nghĩa là chúng sẽ là chuẩn mực, là cơ sở cho Tòa án xét xử. Như vậy, trên thực tế, thẩm quyền của Tư pháp cũng đã chuyển qua cơ quan hành pháp. Rõ ràng thực tế hoạt động xây dựng Nhà nước pháp quyền ở ta với thói quen ban hành các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật đã không củng cố được cơ chế cân bằng, kiểm soát và giới hạn quyền lực Nhà nước, mà còn mở ra nhiều khả năng lạm dụng quyền lực hơn.

Trên nguyên tắc, Chính phủ không có thẩm quyền và nhiệm vụ hướng dẫn thi hành luật. Tuy nhiên, cho nội bộ cơ quan hành pháp, chính phủ hoàn toàn có quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật theo quan điểm của mình. Tiếp tục đọc

GÓP Ý SỬA ĐỔI LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Kính gửi: ông Nguyễn Văn Thuận – Chủ tịch Ủy ban Pháp luật của Quốc hội

Thưa ông chủ tịch,

Luật Sở hữu trí tuệ là một bộ luật có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động kinh doanh, trong phát triển kinh tế thời hội nhập. Tuy nhiên, Luật SHTT của chúng ta vẫn còn nhiều hạt sạn. Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực quyền SHTT, cho phép tôi tham gia vào việc góp ý sửa đổi Luật SHTT bằng cách chỉ ra những hạt sạn to nhất và cũng mới chỉ là trong những điểm then chốt nhất của lĩnh vực quyền tác giả mà thôi.

I. Phát sinh quyền tác giả:

Quyền tác giả phát sinh ngay khi tác phẩm ra đời mà không cần đơn yêu cầu công nhận, không phải trải qua bất kỳ thẩm định nào của cơ quan công quyền, không cần một thủ tục đăng ký nào (trừ ngoại lệ tại Hoa kỳ). Do nó phát sinh dễ dàng và không được thẩm định trước nên khi có tranh chấp hay vi phạm quyền tác giả, thì công việc đầu tiên của tòa án luôn luôn là xác định có hay không có quyền tác giả đối với sản phẩm là đối tượng tranh chấp, nghĩa là phải xác định sản phẩm đó có phải là một tác phẩm thỏa mãn các điều kiện của luật quyền tác giả để tác giả được hưởng quyền tác giả hay không. Các điều kiện này gồm hai nhóm:

a) Nhóm các điều kiện liên quan đến tác phẩm:

– Sản phẩm trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật, khoa học.

– Kết quả hoạt động tinh thần có tính sáng tạo.

b) Nhóm các điều kiện liên quan đến tác giả:

– Pháp nhân tự nhiên: con người.

– Dấu ấn cá nhân của tác giả thể hiện trong tác phẩm.

Khái niệm tác phẩm và cùng với nó là định nghĩa tác phẩm vì vậy giữ một vai trò then chốt trong xây dựng và thực thi luật quyền tác giả. Tiếp tục đọc

PHẢN BIỆN DỰ THẢO (09) LUẬT CẠNH TRANH

Giáo sư  Tiến sĩ khoa học luật Nguyễn Vân Nam.

(CHLB Đức)

Kính gửi: Ủy ban thường vụ

Quốc hội nước CHXHCN Việt nam.

Đồng kính gửi: các Ủy ban của Quốc hội

–         Ủy ban đối ngoại

–         Ủy ban Pháp luật

–         Ủy ban Kinh tế và Ngân sách

Kính gửi: Ông Bộ trưởng bộ Thương mại

Một số nhận xét phản biện

Dự thảo Luật cạnh tranh (Dự thảo 09)

Do thời gian rất hạn chế, những nhận xét có tính chất phản biện Dự thảo Luật Cạnh Tranh của tôi dưới đây chủ yếu tập trung vào những vấn đề có tính nguyên tắc có khả năng ảnh hưởng rất tiêu cực đến quá trình đàm phán gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO và sẽ gây ra những trở ngại lớn trong quá trình thực thi Luật Cạnh Tranh dẫn đến những hậu qủa đáng tiếc cho quá trình hội nhập kinh tế thế giới của chúng ta.

Trước mắt, tôi cũng sẽ chỉ tập trung nhận xét về Luật Chống Cạnh Tranh Không Lành Mạnh do tính chất quyết định của nó trong việc bảo đảm quyền tự do hoạt động kinh tế của các chủ thể tham gia thị trường, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội và truyền thống đạo lý của nước ta.

Những phân tích phản biện sau đây được định hướng theo tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu mà Tổ chức Thương mại Thế giới WTO yêu cầu các nước thành viên phải thực hiện.

A. TIÊU CHUẨN PHÁP LÝ TỐI THIỂU CỦA WTO.

  1. I. Những vấn đề có tính nguyên tắc.

Với mục đích thúc đẩy tự do hóa thương mại toàn cầu,  WTO qui định khung pháp lý- có tính chất định chế chung- cho các nước thành viên trong hoạt động thương mại giữa họ ( Điều II khoản 1 WTO). Tiêu chuẩn pháp lý tối thiểu này của WTO được xây dựng trên hai trụ cột có tính chất bắt buộc đối với mỗi nước thành viên là:

– Nhà nước pháp quyền.

– Hệ thống luật pháp ổn định, minh bạch, có tính dự đoán và có khả

năng thực thi.

1.Nhà nước pháp quyền:

a) Nguyên tắc chung:

Mọi hoạt động của Nhà nước và đời sống xã hội đều phải gắn liền và tuân theo pháp luật, bảo đảm công lý.

b) Một số hệ quả tất yếu:

b.1) Mọi thành viên xã hội, kể cả Nhà nước, đều bình đẳng trước pháp luật. Nhà nước chỉ được phép hành động đúng thẩm quyền và ở những nơi, những lĩnh vực mà nó được pháp luật cho phép.

b.2) Nguyên tắc Nhà nước pháp quyền buộc ba cơ quan hiến định thực hiện quyền lực tối cao của Nhà nước là Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp chịu trách nhiệm bảo đảm hoạt động của mình sao cho có thể thực hiện công lý ở mức tối đa có thể được trong những hoàn cảnh cụ thể. Một số cơ sở cho hoạt động hướng đến công lý này là: Tiếp tục đọc