Việt nam và những đạo diễn Việt kiều

Nguyễn Vân Nam

Với sự cảnh giác thường trực khi đọc quảng cáo xen lẫn niềm hy vọng mơ hồ, tôi lại vẫn đi xem phim Việt nam. Lần này là “Dòng máu anh hùng“ (The Rebel). Thế mà tôi đã xem nó tới 04 lần, trong các buổi chiếu khác nhau, vào tối thứ 7 và cả vào ngày thường. Cảm xúc đầu tiên là “đã“, hy vọng, và vui. “Dòng máu anh hùng“ (DMAH) đã khắc phục được rất nhiều nhược điểm cơ bản của phim Việt nam, đặc biệt là của đạo diễn Việt kiều.

Anh thích xem phim nước nào nhất? Hàn quốc, Th. một cử nhân văn chương đang lái xe taxi của Vinasun, không ngần ngại trả lời tôi. Vì sao? Vì nó thực với cuộc sống. Trước kia anh có sống ở Hàn quốc à? Đâu có. Vậy tại sao anh biết nó thực với cuộc sống ở Hàn quốc? Im lặng. Mãi tới khi tôi sắp xuống xe, Th. mới nói: tôi cảm thấy thế. Ban giám khảo các Liên hoan phim quốc tế cũng cảm nhận như anh Th. về hiện thực cuộc sống trong điện ảnh. Hiện thực trong nghệ thuật thứ bẩy chắc chắn không phải là cái hiện thực mà nó phải phản ánh trung thực từ cuộc sống, mà phải là hiện thực dưới cái nhìn của tác giả kịch bản, của đạo diễn. Nếu không, tự nó sẽ là một vòng “kim cô“ cản trở sức sáng tạo vốn là động lực và sự hấp dẫn của nghệ thuật thứ bẩy. Tuy nhiên, cái hiện thực được sáng tạo ấy phải tuân theo một thứ logic căn bản chung sao cho nó không trở thành quá xa lạ với con người. Liệu có đúng ông Phán (Áo lụa Hà Đông) được bảo vệ bởi lính khố xanh, hay khố đỏ trong hoàn cảnh lịch sử thực tế lúc đó hay không, không phải một lỗi, mà chính việc đạo diễn để một bà mẹ 4 con vẫn còn nguyên bầu ngực tròn đầy của người con gái mới là một lỗi không thể bỏ qua. Và lỗi ấy, bất cứ ai-người Việt nam, hay người nước ngoài- cũng dễ dàng nhận thấy.

Khác với đạo diễn trong nước luôn bị giới hạn bởi các tiêu chí mơ hồ-nhưng có thực-về một thứ hiện thực điện ảnh phải phản ánh cuộc sống, về trách nhiệm phản ảnh một cuộc sống có tính mẫu mực, được đào tạo tại Âu, Mỹ, đạo diễn Việt kiều hiểu rất rõ và đã quen với quyền tự do hoàn toàn trong sáng tạo hiện thực cho bộ phim của mình. Và đây cũng chính là nhược điểm đầu tiên của họ. Một mặt, dù chọn bối cảnh Việt nam cho câu chuyện chuyển tải ý tưởng của mình, tính xác thực của hiện thực quê hương trong phim đối với đạo diễn Việt kiều vẫn không phải là điều quan trọng làm nên giá trị bộ phim. Không phải ngẫu nhiên mà đa số đạo diễn Việt kiều đều chọn bối cảnh Việt nam trước khi có chính quyền cách mạng. Đó là một sự nghiêm túc cần thiết, bởi họ ý thức được khả năng rất hạn chế của mình trong việc nắm bắt cuộc sống hiện tại và những vấn đề của nó. Mặt khác, phần lớn đạo diễn Việt kiều về quê làm phim còn khá trẻ, bức tranh quê hương của họ có lẽ chỉ được vẽ từ những ký ức tuổi thơ và chuyện kể của bậc cha chú. Chính vì vậy mà hình ảnh quê hương trong phim của họ tương đối lạ lẫm với người xem lẫn nhà phê bình ở Việt nam. Nhưng thực ra đây cũng là một vấn đề đối với cả những nhà phê bình phim Việt nam đương đại, bởi lẽ không còn ai trong số họ từng sống- ở độ tuổi có nhận thức chín chắn- vào thời kỳ trước 1945. Tiêu chí, cách nhìn hiện thực của họ thường là theo một khuôn mẫu nhất định, từ những tư liệu lịch sử không phải là đã hoàn toàn khách quan. Chúng ta có đến hai hệ giá trị khác nhau về tính hiện thực trong nghệ thuật điện ảnh và bản thân từng hệ cũng không mấy rõ ràng. Vì thế, lấy hiện thực trong phim của đạo diễn Việt kiều làm một trong những trọng tâm đánh giá như chúng ta đang làm là rất không thỏa đáng và sẽ không bao giờ có tính thuyết phục. Có một sự thật là tỷ lệ phim được giải thưởng quốc tế đối với phim của đạo diễn Việt kiều rất cao, trong khi tỷ lệ này đối với phim Việt nam lại cực thấp. Chắc chắn ban giám khảo quốc tế không thể trao giải, nếu họ cũng lấy tiêu chí về hiện thực trong nghệ thuật thứ bẩy như của chúng ta. Bàn về hiện thực cuộc sống trong nghệ thuật thứ bẩy luôn luôn là một vấn đề không bao giờ đạt được sự nhất trí. Có rất nhiều cách nhìn và đánh giá, thưởng thức hiện thực trong phim. Nhưng chính nó đã góp phần làm một bộ phim hay thu hút được nhiều tầng lớp khán giả khác nhau của các nền văn hóa khác nhau.

Mặc dù vậy, cách sáng tạo hiện thực của đạo diễn Việt kiều-cái bối cảnh Việt nam trong phim- cũng có nhiều điều cần nói. Có thể chia khán giả xem phim thành hai loại: khán giả hội nhập và khán giả khám phá. Khán giả hội nhập thưởng thức phim bằng cách hoà mình vào phim, anh ta phải có cảm giác mình là người trong cuộc, là một phần của những gì đang diễn ra trên màn ảnh. Hiện thực trong phim phải là hiện thực cho phép anh ta sống cùng nó. Khán giả nội địa thường có xu hướng là khán giả hội nhập đối với phim nước mình. Ngược lại, khán giả khám phá đứng ngoài diễn biến trong phim, anh ta thích thú khi được quan sát, khám phá, so sánh và đánh giá nó. Hiện thực trong phim chỉ cần là hiện thực của nhân vật là đủ. Như thế, rõ ràng chúng ta đều là khán giả khám phá đối với phim thần thoại, viễn tưởng, dã sử v…v. Nền điện ảnh miền bắc trước 1975 có nhiều bộ phim-dù còn nhiều hạn chế về kỹ thuật, về nhân vật, về mức độ sáng tạo nghệ thuật- đã đưa được vào chúng một hiện thực giống hệt cuộc sống giản dị ngoài đời của khán giả; nhân vật cũng có chung mục tiêu, cách sống, quan niệm sống như số đông khán giả. Những bộ phim thời đó như “Chim vành khuyên“, “Chị Tư hậu“, “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm“, đã rất thành công, để lại dấu ấn khó quên trong lòng khán giả hội nhập ấy. Nhưng “Mối tình đầu“ mặc dù vai chính do Thế Anh, diễn viên nổi tiếng nhất thời đó đóng, đã trở thành phim đầu tiên báo hiệu qúa trình tuột dốc không phanh của điện ảnh Việt nam sau 1975, khi thừa thắng xông lên dám chuyển đề tài với bối cảnh là cuộc sống hiện đại ở miền nam trong lúc vẫn giữ nguyên vẹn những nguyên tắc, quan điểm làm phim, khiến khán giả miền nam không thể hội nhập. Phần đông công chúng và nhà phê bình Việt nam cũng hy vọng được thưởng thức tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Việt kiều như một khán giả hội  nhập. Và họ đã phải thất vọng. Bối cảnh phim, qua sự sáng tạo đáng trân trọng của đạo diễn Việt kiều, đã không mở cửa cho họ hội nhập. Hình ảnh quê hương trong phim của đạo diễn Việt kiều đều buồn và trầm mặc một cách khác thường, dường như nó là quê hương của các nhà hiền triết đang suy ngẫm, chứ không phải là quê hương của những biến động, xáo trộn xã hội liên tục, như tại Việt nam. Khi mong muốn được thấy lại cuộc sống Việt nam trước kia – một cuộc sống giống như lời cha ông kể lại- không được đáp ứng, thì sự thất vọng của khán giả là chuyện tất nhiên.

Bối cảnh phim của đạo diễn Việt kiều dù phần nào phù hợp với chức năng làm nền cho câu chuyện, phủ một bầu không khí mang đậm dấu ấn sáng tạo riêng của đạo diễn lên toàn bộ phim, góp phần lý giải sự phát triển mạch truyện, tính cách nhân vật, vẫn không thể đem lại hiệu ứng tích cực cho toàn bộ phim. Từ “Xích lô“ (Trần Anh Hùng) đến “Mùa len trâu“ (Nguyễn Võ Nghiêm Minh) và gần đây là “Hạt mưa rơi bao nhiêu lâu“ (Đoàn Minh Phượng và Đoàn Thành Nghĩa) cái bối cảnh cần thiết cho câu chuyện mang đậm tính “tiểu tự sự“ (Chữ của Nguyễn Thanh Sơn) đều bị thu gọn- dù là thu gọn một cách sáng tạo bởi đạo diễn Việt kiều- đến mức chúng lại trở thành “Hoàn cảnh điển hình“ cho những “Nhân vật điển hình“ của đạo diễn. Cách sáng tạo này luôn luôn là con dao hai lưỡi. Nó sẽ đem lại thành công vang dội, một khi “nhân vật điển hình“ sống được một cách tự nhiên, thoải mái, hài hòa với “hoàn cảnh điển hình“. Nhưng để làm được điều đó, đạo diễn phải có trong tay đội ngũ diễn viên thượng thặng. Nếu không, nó vừa loại bỏ khán giả hội nhập, vừa không được khán giả khám phá quan tâm. Khán giả hội nhập không tìm thấy trong phim Việt nam những gì gần gũi với mình, hay ít nhất cũng gần gũi với cái chung. Làm sao có thể hòa mình dõi theo cuộc sống ở một nơi nào đó trên quê hương Việt nam luôn luôn đầy biến động, xáo trộn xã hội, khi trên màn ảnh nó lại là một cuộc sống an bình trong nhịp điệu thật chậm rãi với những con người-dù là ở nông thôn đi nữa- luôn trăn trở, triết lý về cuộc đời? Không thể là khán giả hội nhập, khán giả Việt nam cũng khó lòng chuyển thành khán giả khám phá, khi “Nhân vật điển hình“ không thể hoà nhập vào cái “Hoàn cảnh điển hình“ ấy của đạo diễn. Có thể còn hào hứng khám phá không, khi đạo diễn cho con trai một nông dân nam kỳ chính hiệu vốn nổi tiếng phóng khoáng lại nói “cảm ơn cha“ sau khi nghe cha dặn dò? Giá như nó là “Dạ, thưa cha“ hay “Dạ, tía“ thì tốt hơn biết bao.

Những “Tiểu tự sự“ của đạo diễn Việt kiều, vì nhiều nguyên nhân, nhưng đặc biệt là do thiếu dàn diễn viên thượng thặng, đã không thể vươn đến tầm khiến khán giả phải nghĩ đến-hay chí ít là liên tưởng đến- một “đại tự sự“ về những điều lớn lao như vẻ đẹp trong truyền thống văn hóa của một dân tộc, như khả năng khái quát hóa mang tính triết lý mà một “Tiểu tự sự“ có thể làm ta phải suy ngẫm. Vì vậy nó cũng không hấp dẫn nổi khán giả trong nước. Tuy nhiên, phim của đạo diễn Việt kiều vẫn gặt hái thành công nhất định trong các liên hoan phim quốc tế. Vì, một mặt, đối với phim của các nước đang phát triển (không phân biệt đạo diễn nội địa hay gốc nội địa), BGK các liên hoan phim quốc tế có những tiêu chí đánh giá khác mà mục tiêu chính là nhằm khuyến khích tự do sáng tạo, khuyến khích bảo tồn đặc trưng văn hóa, chứ không phải là xác nhận và tôn vinh một thành tựu sáng tạo như đối với phim của các nước khác. Mặt khác, nhược điểm về sáng tạo hiện thực trong phim của đạo diễn Việt kiều ít bị chú ý hơn rất nhiều do được che khuất bởi hàng loạt các yếu tố mới lạ khi so sánh với các phim Việt nam khác. Và sau cùng, bản thân việc phát hiện ra rằng ở một nơi xa lắm-xa đến mức cuộc sống ở đó thật là lạ- vẫn có những con người suy ngẫm về những giá trị chung của nhân loại, đã là một khám phá đáng trân trọng rồi.

“Dòng máu anh hùng“-tuy cái tên không thật phù hợp với câu chuyện và có thể khiến khán giả chờ đợi một cách kể chuyện khác-rất may đã tránh khỏi kiểu sáng tạo biến hiện thực thành “Hoàn cảnh điển hình“ và như vậy đã mở cửa cho khán giả hội nhập. Bối cảnh phim là một xã hội thuộc địa của Pháp, có phong trào chống đối, có quan toàn quyền, có công chức bản địa v…v và những mối quan hệ giữa họ mà bất kỳ ai xem phim cũng nhận ra đó là xã hội Việt nam thời thuộc Pháp. Sự nghiêm túc của tác giả kịch bản và của đạo diễn đã làm cho bối cảnh phim không còn là một bối cảnh chỉ cho nhân vật mà trở thành một hiện thực mở cho mọi khán giả. Nhờ vậy, người ta rất dễ dàng bỏ qua chi tiết Sĩ mang đôi giày giống hệt kiểu giày ngày nay; cả việc một xe đầy lính chạy sau xe có Cường và cô gái nằm trên mui mà chẳng phát hiện nổi hai người, dù xe có mấy lần lên đèo xuống dốc. Dàn diễn viên, diễn đều và đạt nhất trong phim Việt nam từ vài chục năm nay, cũng đã trở thành một phần sinh động trong bối cảnh và góp phần hoàn hảo tạo nên một hiện thực mở rất sống động của bộ phim.

Với sự thuận lợi như thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi “Dòng máu anh hùng“ là một câu chuyện hay, có mở đầu và kết thúc đầy bất ngờ nhưng theo logic và một trình tự khá tự nhiên, khác hẳn câu chuyện của các đạo diễn Việt kiều khác thường được chấm dứt đột ngột bằng một kết thúc rất thời thượng mang tên “kết thúc mở“.

SG 25.05.2007

Bình luận về bài viết này